Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Doanh nghiệp làm thế nào để chuyển đổi số?”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, diễn ra ngày 17/5, tại TP. Hồ Chí Minh.
GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trình bày tham luận Doanh nghiệp làm thế nào để chuyển đổi số tại hội thảo |
Tăng nội lực và giá trị mới cho DN
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Doanh nghiệp làm thế nào để chuyển đổi số” đã có các bài tham luận, đồng thời tập trung phân tích tại sao doanh nghiệp cần chuyển đổi số, chuyển đổi số doanh nghiệp thế nào, DN nhỏ và vừa chuyển đổi số thế nào, cơ hội và thách thức…
Theo ông Phan Thành Nhơn, Giám đốc vận hành Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), qua đồng hành cùng DN phát triển và xúc tiến thương mại cho thấy, thị trường hiện nay đòi hỏi năng lực cạnh tranh và những mô hình kinh doanh mới.
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, DN không thể chờ đợi đến lúc lớn mạnh hay đủ tiềm lực mới ứng dụng công nghệ số. Chuyển đổi số phù hợp với thực trạng của hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ giúp tăng nội lực cho DN.
Chính vì vậy, BSA đã và đang chủ động thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức DN trong vấn đề chuẩn hóa, chuyển đổi số. Đặc biệt, các chuyên gia sẽ tham gia hỗ trợ lộ trình tiếp cận giải pháp này bằng những bước chuẩn bị, cũng như triển khai chuyển đổi số cơ bản đầu tiên” - ông Phan Thành Nhơn nhấn mạnh.
DN làm thế nào để chuyển đổi số là bài toán đặt ra cho cả các công ty Việt Nam và nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh khác trên toàn cầu. Áp dụng những đổi mới về công nghệ sẽ giúp quá trình sản xuất nhanh hơn, tốn ít sức người và dữ liệu được thu thập đầy đủ hơn... Chất lượng sản phẩm được đảm bảo do kiểm soát được từ khâu nguyên vật liệu cho đến khi thành hình và chuyển đến tay người tiêu dùng.
Các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp thảo luận về vấn đề chuẩn hóa và chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay |
Thống kê cho thấy trong những năm gần đây tại Việt Nam, đã và đang xuất hiện nhiều DN đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được kết quả thành công bước đầu. Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm VNPT – IT khu vực 2, Chi nhánh Công ty công nghệ thông tin VNPT – cho biết, đơn vị đã chủ động chuyển đổi hạ tầng số và dịch vụ số cho chính DN và hiện nay đang cung cấp, tư vấn cho các tập đoàn, DN lớn tại Việt Nam. Hiện công ty đang tiếp tục triển khai, hợp tác với đối tác trong và ngoài nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.
Để đạt được kết quả trên, theo ông Phạm Huy Hoàng việc DN thực hiện chuyển đổi số cần có kiến thức để vận dụng một cách khoa học và hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế số, DN phải nhận thức và thay đổi tư duy tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam và toàn cầu, chứ không phải chỉ riêng tại DN.
Tại hội thảo các chuyên gia đều nhìn nhận, khi đầu tư chuyển đổi số, DN nên bắt đầu từ con người, cần chuẩn bị nguồn lực lao động đáp ứng yêu cầu vận hành, ứng dụng công nghệ. Để vươn lên và phát triển trong giai đọn hiện nay và thời gian tới, các DN cần đẩy mạnh liên kết với viện, trường, nhằm tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Chuyển đổi số tạo ra nhiều cơ hội, giá trị mới
Nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt các giao dịch và thương mại điện tử. Chính phủ điện tử dựa vào tin học hóa bộ máy hành chính tập trung vào dịch vụ công, nhờ vào khai thác dữ liệu tập trung vào đổi mới sáng tạo bộ máy hành chính.
Nền kinh tế số được vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt các giao dịch và thương mại điện tử |
Cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, đòi hỏi sản xuất thông minh thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), chiến lược chuyển đổi số thay đổi cách kết nối và tạo giá trị cho khách hàng, hỗ trợ DN khai thác mạng lưới khách hàng.
Quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.
Khi có dữ liệu rồi, DN cần giải pháp biến dữ liệu thành công cụ hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như điều chỉnh các định giá trị, xác định giá trị dựa vào như cầu khách hàng. “Chuyển đổi số tốn kém chi phí, nhưng DN có thể lựa chọn ứng dụng những công nghệ phù hợp với nhu cầu tài chính và năng lực công ty. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hàng đầu đối với DN vẫn là xây dựng cơ sở dữ liệu và hoạt động này không cần nhiều chi phí” - GS.TS Hồ Tú Bảo cho hay.
Khoa học dữ liệu là chìa khoá của sự phát triển trong thời chuyển đổi số, với bản chất là tạo ra và dùng dữ liệu một cách thông minh. DN hãy bắt đầu với một số lĩnh vực chọn lọc. Như vậy, chuyển đổi số giúp DN sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mô hình kinh doanh. Đồng thời, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.