Cần lồng ghép các chương trình TTX vào các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội
Chủ đề chính được các đại biểu đã tập trung làm rõ tại Hội thảo, bao gồm: Khái niệm tăng trưởng xanh (TTX) và các chiến lược TTX tại Việt Nam; Đánh giá quan hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường; Thực trạng các chính sách về tăng trưởng bền vững tại Việt Nam; Đánh giá tác động của tình hình môi trường đến tăng trưởng và các giải pháp xử lý vấn đề môi trường tại Việt Nam; Các giải pháp thực hiện chiến lược TTX; Mô hình, kinh nghiệm sản xuất xanh;…
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua cũng có những bước tiến đáng kể, nhưng thiếu vững chắc, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng vốn đầu tư, tận dụng lợi thế lao động.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần ứng phó với BĐKH, ngày 25/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Mục tiêu của Chiến lược nhằm tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao. Nghiên cứu, ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả BĐKH.
Song theo TS Phạm Hoàng Mai- Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Để thực hiện Chiến lược TTX, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần 30 tỷ USD, tuy nhiên Nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 30% còn lại 70% phải huy động từ nguồn vốn ngoài Nhà nước. Để huy động nguồn vốn tư nhân tham gia TTX là không hề đơn giản, bởi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về TTX vẫn còn chưa đúng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Chiến lược quốc gia về TTX đã thực hiện được 3 năm, nhưng nhiều người trong xã hội vẫn còn chưa hiểu biết, chưa thấy được tầm quan trọng cũng như tính cấp bách của TTX. Để Chiến lược TTX thực dự đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các TTX. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, cần hoàn thiện các cơ chế pháp luật, chính sách để huy động các nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho TTX.
Cùng với nâng cao nhận thức cho người dân, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư cho TTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các chương trình TTX vào các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Có như vậy, TTX mới thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao, tiến tới xây dựng một nền kinh tế bền vững.