Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí
Đây là khẳng định được đưa ra tại Tọa đàm "Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí", diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí năm 2024, do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiều ngày 15/3 tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh hiện nay, báo chí là một trong những lực lượng nòng cốt đề cao tính Đảng, giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội tích cực. Và mỗi cơ quan báo chí lại có những cách làm khác nhau để nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí. Điển hình như tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Tăng Hữu Phong - Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng - cho biết, cơ quan này đã luôn định hướng báo bám sát, cập nhập kịp thời những thông tin đường lối, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên báo; quan tâm hỗ trợ chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng công nghệ; ưu tiên đầu tư trang thiết bị tác nghiệp cho đội ngũ những người làm báo.
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm |
Cùng với đó, báo luôn đề cao yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền “đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn”. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ của báo về lý luận chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Mang đến góc nhìn về việc nâng cao tính Đảng, tính định hướng khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Ngô Hồng Sâm - Tổng giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ - cho biết, ngày 8 tháng 12 năm 2015 Thường trực Chính phủ đã có thông báo số 395/TB - VPCP đồng ý thiết lập Thông tin Chính phủ trên mạng xã hội để đưa thông tin đến đông đảo nhân dân. Thấy được sự cần thiết phải tham gia các nền tảng mạng xã hội, được sự đồng ý của lãnh đạo, Báo điện tử Chính phủ tiếp tục tham gia các mạng xã hội khác như Youtube, Zalo, Twiter, Lotus… và đã phát huy được hiệu quả, được người dân tin tưởng theo dõi, nghe theo, làm theo và góp phần dẫn dắt dư luận, tạo đồng thuận xã hội.
Ông Ngô Hồng Sâm - Tổng giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ chia sẻ về việc sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin |
Theo ông Sâm, trong thời kỳ chống dịch, việc sử dụng fanpage đã phát huy hiệu quả khi các thông tin điều hành được chuyển tải tới 50 triệu người dùng mạng xã hội. Hiện đơn vị cũng đang sử dụng mạng xã hội để chuyển tải thông tin điều hành Chính phủ đến người dân.
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Sâm cho biết, thời gian qua, có những post trên fanpage Thông tin Chính phủ có tới 24 triệu người theo dõi như: Kêu việc gọi mọi người dùng nước muối để phòng chống dịch Covid-19; hay đề nghị Google khôi phục hình ảnh quốc kỳ Việt Nam ở đảo Trường Sa lớn với 14.778.974 người ủng hộ...
Theo ông Sâm, mạng xã hội còn là diễn đàn của người dân với các chính sách của Chính phủ, là kênh đưa chính sách vào cuộc sống. Đơn cử như đợt tuyên truyền lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các nền tảng Báo điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tiếp nhận hơn 5.000 ý kiến đóng góp có giá trị, có địa chỉ rõ ràng để Ban soạn thảo có thể tham khảo, trao đổi lại với các tác giả góp ý. Trong đó, có nhiều góp ý rất tâm huyết.
Tuy nhiên ông Sâm lưu ý rằng, để dụng mạng xã hội an toàn thì các đơn vị phải hiểu về các quy định, các thuật toán công nghệ của họ. “Mạng xã hội là công cụ tuyên truyền hữu ích nhưng không phải tất cả. Chúng ta chỉ nên tham khảo thông tin trên mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội như là một công cụ tuyên truyền và vẫn phải dựa vào các nền tảng báo chí chính thống”, ông Sâm nhấn mạnh.