Nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động
Theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đóng đủ BHTN cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động mỗi tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Nâng cao trình độ cho người lao động giúp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất |
Thời điểm người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Nguồn kinh phí được sử dụng từ Quỹ BHTN, với ngân sách ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết 68, các địa phương trên cả nước đã khẩn trương vào cuộc, đơn giản hóa thủ tục để người sử dụng lao động và người lao động tiếp cận nhanh nhất với các chính sách hỗ trợ. Điển hình tại Vĩnh Phúc, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ; hướng dẫn các đơn vị, khoa chuyên môn căn cứ vào mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà trường, trao đổi để nắm bắt nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp. Từ đó, nhà trường sẽ phối hợp với doanh nghiệp thực hiện đào tạo lại, cũng như đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết theo nhu cầu.
Theo thạc sỹ Nguyễn Trung Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc: Qua khảo sát sơ bộ, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu đào tạo lại lao động là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Căn cứ vào hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, nhà trường đã sẵn sàng và chủ động liên kết đào tạo với các doanh nghiệp. Việc làm này cũng tạo thêm cơ hội để nhà trường khẳng định uy tín trong đào tạo kỹ năng nghề, giúp lao động địa phương thích ứng với thị trường lao động đang có sự thay đổi lớn bởi dịch Covid-19.
Hiện nay, Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đang phối hợp mở 2 lớp đào tạo sơn ô tô cho khoảng 60 công nhân tại Mazda Vĩnh Phúc và Công ty Hyundai Thành Công Vĩnh Phúc. Đây là nghề nhiều lao động có nhu cầu hướng tới trong thời gian gần đây. Nhà trường mong muốn sẽ góp phần vào việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cũng như nhu cầu chuyển đổi nghề cho lao động trong các doanh nghiệp. Kế hoạch tiếp theo của nhà trường là tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ qua các kênh thông tin, trên website của trường, tại các doanh nghiệp để người lao động cũng như người sử dụng lao động nắm bắt được chính sách và khi có nhu cầu, nhà trường sẽ có kế hoạch đào tạo kịp thời.
Đánh giá bước đầu của giới chuyên gia, việc thực hiện Nghị quyết 68 của các địa phương trên cả nước đã theo đúng chủ trương của Chính phủ. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết ngày 6/12/2021, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho 12.454.842 lao động, với tổng số tiền hỗ trợ 29,464 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, ngành BHXH Việt Nam đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết ngày 6/12/2021, toàn ngành đã xác nhận danh sách cho 2.772.958 lao động của 68.758 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 3.994 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 36 đơn vị.
Tuy nhiên, để thị trường lao động phục hồi tốt, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ BHTN thì cần chuyển đổi thị trường lao động đối với những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề như lao động nữ, lao động trẻ; đầu tư vào các chính sách thị trường lao động chủ động bao gồm dịch vụ, việc làm công, việc làm có trợ cấp, tăng cường an toàn và sức khỏe nghề nghiệp…; cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ BHTN, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu, hỗ trợ tiền xây nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu vực kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nghề, sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm để giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay.
Việc hỗ trợ nâng cao trình độ cho người lao động sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề ngày tăng cao khi đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mới dịch chuyển vào Việt Nam; giúp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, có thêm nhiều đơn hàng mới. |