Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận và thông qua các nội dung quan trọng của hợp tác năng lượng ASEAN. Theo đó, ASEAN đã đạt được tiến triển trong năm thứ hai thực thi Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng 2016-2025 (APAEC) giai đoạn 2016-2020. Các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển về năng lượng an toàn, khả năng tiếp cận và năng lượng bền vững trong ASEAN, bao gồm các biện pháp để đạt được các mục tiêu khu vực về cắt giảm cường độ năng lượng ASEAN và tăng tỷ lệ tái tạo trong khối năng lượng ASEAN. Báo cáo Triển vọng Năng lượng ASEAN lần thứ 5 đã được đưa ra tại Hội nghị và các Bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu năng lượng cơ bản trong ASEAN dự kiến sẽ tăng 2,3 lần vào năm 2040. Báo cáo cũng xác định tiết kiệm năng lượng có thể đạt được thông qua hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ASEAN còn tiếp tục theo dõi những cải tiến về công nghệ đồng thời tận dụng các xu hướng toàn cầu về giảm chi phí năng lượng tái tạo. Hệ thống dữ liệu năng lượng ASEAN với trang web là cơ sở dữ liệu tham khảo về thống kê năng lượng ở các nước thành viên, nhằm tổng hợp dữ liệu năng lượng làm cơ sở giám sát tình hình năng lượng của ASEAN.
Các Bộ trưởng ASEAN đánh giá cao sự hợp tác sâu sắc với các đối tác đối thoại, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển, cũng như sự hợp tác với các nhóm chuyên gia từ khu vực tư nhân, các trường đại học và viện nghiên cứu. ASEAN đã hoàn thiện và đưa ra Báo cáo Hợp tác năng lượng ASEAN lần đầu tiên năm 2017, nhằm tổng kết những thành tựu then chốt trong năm 2016-2017, các định hướng chiến lược của lĩnh vực năng lượng ASEAN với cộng đồng quốc tế. Từ đó, các Bộ trưởng ASEAN mong đợi kết quả đánh giá giữa kỳ APAEC giai đoạn 1 vào năm 2018.
Các Bộ trưởng ghi nhận kết quả của việc thực thi các biện pháp APAEC về hiệu quả năng lượng, đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác đối thoại về xây dựng năng lực cho các phòng thử nghiệm và các nhà sản xuất các sản phẩm có liên quan như sáng kiến vận động nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, nhấn mạnh việc giảm cường độ năng lượng 18,3% vào cuối năm 2015 so với mức năm 2005, đồng thời đặt mục tiêu giảm 20% vào năm 2020. Bên cạnh đó, hợp tác liên ngành có vai trò quan trọng trong ASEAN để theo đuổi các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về hiệu quả năng lượng; tiến hành nghiên cứu khả thi nhằm mở rộng các MRA hiện tại về điện và thiết bị điện tử.
Hiện tại, ASEAN đã đạt mục tiêu tỷ lệ 13,6% năng lượng tái tạo trong mạng năng lượng ASEAN vào năm 2015 và các Bộ trưởng nhất trí sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu 23% vào năm 2025. Theo đó, vai trò của đầu tư và tài chính rất quan trọng trong việc triển khai rộng rãi năng lượng tái tạo trong khu vực. Để nâng cao cơ sở hiểu biết về năng lượng tái tạo trong khu vực, cung cấp thông tin cho các nước thành viên về tình hình năng lượng tái tạo, các Bộ trưởng ghi nhận việc hoàn thành cổng điện tử ASEAN ().
Các Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác rộng rãi với các nước Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ ASEAN xây dựng năng lực về chính sách, công nghệ và quản lý năng lượng hạt nhân. Cùng với các chuyên gia kỹ thuật về quy định hạt nhân, an toàn và ứng phó khẩn cấp, các Bộ trưởng nhấn mạnh sự chấp nhận và vấn đề an toàn của công chúng rất quan trọng để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực, bao gồm cả tác động tiềm tàng tới các nước láng giềng.
Trong việc triển khai thương mại điện đa phương về Lưới điện ASEAN, các Bộ trưởng hoan nghênh việc ký kết Hiệp định Mua bán năng lượng giữa Lào, Thái Lan và Malaysia - mang lại giao dịch điện đa phương đầu tiên trong ASEAN. Ủy ban Tham vấn Lưới điện ASEAN, các cơ quan năng lượng điện ASEAN đã hỗ trợ các nước thành viên xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối, nhằm kiểm tra tính khả thi của mở rộng thương mại song phương hiện tại về giao dịch điện đa phương trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ngành điện là một trong những nhân tố đóng góp quan trọng nhất đối với khu vực để đạt được mục tiêu 23% tỷ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2025.
TIN LIÊN QUAN | |