Quảng Ngãi: Hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước trong mùa cạn Quảng Ngãi gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa chế biến sâu |
Hơn 3.100 ha đất sản xuất nông nghiệp có khả năng bị hạn
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, ngày 20/4, khu vực Quảng Ngãi tiếp tục có nắng nóng, vùng núi có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất ở vùng núi phổ biến từ 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ; độ ẩm thấp nhất 40-50%. Nhiệt độ cao nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm thấp nhất 50-60%.
Trong 3 đến 5 ngày tới, nắng nóng và nắng nóng gay gắt còn tiếp diễn trên khu vực Quảng Ngãi, với nhiệt độ cao nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 35-37 độ C, ở vùng núi phổ biến từ 37 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Tình hình nắng nóng và nắng nóng gay gắt còn kéo dài trong nhiều ngày tiếp theo và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong khi đó, nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp nên năng lực tích trữ nước cho sản xuất gặp khó khăn.
Đập ngăn mặn sông Trà Bồng ở xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: V.X |
Ông Võ Thanh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, trên địa bàn xã có 4 hồ, đập chứa nước gồm: Hồ chứa nước Đá Bạc, Hóc Bó, Long Đình, đập Tuyền Tung và một số hồ, đập nhỏ khác. Tuy nhiên, các hồ đập đều được xây dựng từ giai đoạn 1980-1990 nên hiện đã bị xói mòn, sạt lở, khả năng giữ nước kém.
“Nếu vụ Đông Xuân toàn xã có 120 ha trồng lúa thì đến vụ Hè Thu giảm xuống còn khoảng 100 ha. Địa phương đã chủ động hướng dẫn người dân chuyển sang trồng bắp, đậu phộng, nhưng do nguồn nước hạn hẹp, sản lượng thu hoạch không đạt nên người dân ngại xuống giống”, ông Quang cho hay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong tổng số 807 công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn thì có 196 công trình được xây dựng từ những năm 1989 trở về trước. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khoảng 58 hồ chứa nước, hiện đang triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 11 hồ chứa nước. Mặc dù vậy vẫn còn 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
Theo kế hoạch, vụ Hè thu năm 2024, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Ngãi hơn 49.727 ha, trong đó có hơn 34.754 ha lúa và 14.974 ha cây trồng khác. Dự kiến tổng diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng bị hạn là hơn 3.000 ha, trong đó có khoảng 2.000 ha lúa, còn lại là các cây trồng khác.
Tìm cách chống hạn cho vụ Hè Thu
Được biết, năm 2024, tình trạng El Nino tiếp tục diễn biến phức tạp, vấn đề hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8.
Ông Võ Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để chống hạn cho vụ Hè Thu, địa phương sẽ tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm để trữ vào các ao, hồ, kênh chìm, kênh tiêu, phục vụ chống hạn kịp thời, hiệu quả. Điều tiết, phân phối nước kịp thời đến các vùng bị hạn.
Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các đơn vị, địa phương tìm cách tăng khả năng trữ nước để phục vụ sản xuất vụ Hè Thu. Ảnh: V.X |
Áp dụng các biện pháp tưới luân phiên, ưu tiên vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau; bảo đảm nước theo nhu cầu và phù hợp với thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm. Với những vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt như huyện Lý Sơn, khu đông huyện Bình Sơn, các xã ven biển huyện Mộ Đức, thị xã Đức Phổ… sẽ tiến hành xây dựng kéo dài tuyến ống cấp nước, khoan giếng lấy nước ở tầng sâu, từng bước thay thế nguồn nước từ tầng nông ở những vùng cạn kiệt do hạn hán.
Ở những vùng sản xuất xảy ra hạn hán quy mô lớn, tổ chức lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn. Đóng giếng, lắp đặt trạm bơm điện tại khu tưới để chống hạn; nạo vét, sửa chữa kênh mương, không để rò rỉ, thẩm lậu nước, hạn chế xâm nhập mặn. Địa phương cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào sử dụng, tải nước phục vụ sản xuất năm 2024.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thống nhất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn hợp lý để chủ động phòng, chống hạn hán, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong mùa khô năm 2024.
Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa lập kế hoạch vận hành các nhà máy thủy điện cho phù hợp với hiện trạng và dự báo nguồn nước, các quy định của quy trình vận hành hồ, liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đảm bảo cân đối, hài hòa giữa an ninh năng lượng và an toàn cấp nước, đặc biệt không ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy và yêu cầu sử dụng nước ở hạ du. Gửi văn bản đến chủ các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các đơn vị này cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh.