Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch điểm đến thì một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt đó là cần phải nâng cao nhận thức, kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến.
Với mục tiêu đó, ngày 5/12, tại UBND thị xã Sơn Tây, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức Chương trình Trao đổi kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư năm 2019 cho gần 100 học viên là các cán bộ văn hóa, trưởng thôn, xóm, hộ gia đình, người bán hàng, các hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bà Ngô Minh Hoàng- Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại buổi tập huấn |
Nói về tiềm năng du lịch của Sơn Tây, bà Ngô Minh Hoàng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Thị xã Sơn Tây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài xưa và hiện còn dày đặc các di tích lịch sử độc đáo duy nhất ở Việt Nam như: Làng cổ ở Đường Lâm, Đền Và, Chùa Mía, Thành cổ Sơn Tây… Đây là những sản phẩm thu hút khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế như Nhật Bản, Pháp... Bên cạnh các điểm du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, Sơn Tây còn có các khu du lịch nổi tiếng thu hút khách như khu du lịch Đồng Mô, khu du lịch sinh thái Xuân Khanh tiếp nối với các điểm du lịch sinh thái của Ba Vì”.
Chương trình bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân tại các điểm đến là nhằm tuyên truyền về lợi ích du lịch đem lại, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Hướng tới mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị di sản, văn hóa lịch sử, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tới thăm quan, tìm hiểu các sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thị xã Sơn Tây và ngành du lịch Thủ đô.
Đánh giá về vai trò quan trọng của người dân trong việc nâng cao chất lượng điểm đến, ông Lê Đại Thăng- Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: “Chất lượng điểm đến được đánh giá thông qua nhiều tiêu chí như: lượng du khách đến và quay lại, chi tiêu của du khách và thời gian lưu trú, khách ưa chuộng sản phẩm, dịch vụ nào của địa phương, môi trường, cảnh quan”… Để đáp ứng được điều đó, người dân đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng, quảng bá, hình ảnh văn hóa, nét đặc trưng của địa phương đến với du khách. Như vậy, mỗi người dân phải tự trang bị những kỹ năng giao tiếp, hiểu biết nhất định để có thể tham gia vào hoạt động du lịch, cùng với du khách trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm du lịch của địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương.
Tại buổi trao đổi, tập huấn, người dân được hướng dẫn về các nội dung cụ thể: Tổng quan chung về du lịch; Du lịch có trách nhiệm; Du lịch cộng đồng; Tâm lý khách du lịch và Văn hóa ứng xử trong du lịch.
Để nâng tầm cho các sản phẩm du lịch của Sơn Tây, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho cả người dân và các cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, Sơn Tây cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị di tích lịch sử, văn hóa, đưa các nội dung về phát triển du lịch bền vững gắn với việc giáo dục truyền thống yêu nước lòng tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt làng cổ Đường Lâm sẽ được xây dựng thành điểm đến đạt tiêu chuẩn cấp Quốc gia.
Thành cổ Sơn Tây điểm đến được nhiều du khách yêu thích |
Năm 2019, Thủ đô dự kiến sẽ đạt 28,95 triệu lượt khách (tăng 10%), trong đó khách du lịch quốc tế đạt 7,025 triệu lượt (tăng 17%). Tổng thu từ khách du lịch đạt 103.807 tỷ đồng, trong đó thị trường khách quốc tế đứng đầu về lượng khách đến Hà Nội là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Úc… |