Ông Phan Ngọc Thọ trả lời phỏng vấn tại Lễ công bố nhãn hiệu thanh trà Huế - Phong Thu |
Ông Phan Ngọc Thọ- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh, cho biết: Nhãn hiệu tập thể Tranh trà Huế được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KHCN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Những năm qua, thanh trà trở thành cây xóa đói giảm nghèo của hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, cũng theo ông Thọ, việc được Nhà nước bảo hộ không phải tất yếu trở thành thương hiệu mạnh, cần có chính sách hợp lý, sử dụng và quảng bá thương hiệu tốt, dán nhãn thương hiệu sẽ là tiền đề để trái thanh trà có mặt tại các siêu thị lớn như BigC, Coopmart… Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư xây dựng các vườn thanh trà sản xuất theo VietGAP, quảng bá thương hiệu trên cả nước, đa dạng hoá sản phẩm từ thanh trà (mứt, gỏi, nem chua, chè…) để trong tương lai, thanh trà Huế có chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu, thâm nhập vào những thị trường khó tính- ông Thọ cho biết thêm.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa khoa học kỹ thuật trong các khâu trồng và chăm sóc cây thanh trà. Ngoài việc tổ chức Lễ hội Thanh trà hàng năm, Hội thi trái ngon thanh trà, tổ chức hội thảo kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, địa phương đã và đang nghiên cứu quy hoạch mở rộng diện tích vùng thanh trà.
Ông Hồ Thắng- Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế- cho biết, xây dựng và phát triển thương hiệu Thanh trà Huế là chủ trương chung của địa phương. Hiện diện tích trồng cây thanh trà trên địa bàn khoảng 1.000 ha, có khả năng mở rộng đến 1.400 ha… chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, tập trung tại các huyện, thị xã như: Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc; Hương Thủy...
Vừa qua, Sở Khoa học Công nghệ phối, kết hợp với chính quyền, ban, ngành tại những vùng trồng thanh trà trọng điểm, mở rộng thành viên sở hữu thương hiệu chung “Thanh trà Huế”. Tại phường Hương Vân, huyện Hương Trà và xã Phong Thu huyện Phong Điền, người trồng thanh trà Thừa Thiên Huế đang phấn khởi bởi sản lượng thanh trà năm 2017 thu hoạch tăng hơn các năm trước, giá cao và đầu ra ổn định. Ông Phạm Bằng (thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) cho biết, gia đình có 63 gốc cho trái thu về 140 triệu đồng. Ông Phạm Bằng bày tỏ hy vọng, trái thanh trà sau khi được dán nhãn thương hiệu và bao tiêu bởi HTX Nông nghiệp Hương Vân sẽ tiêu thụ mạnh, được giá.
Tại buổi Lễ công bố nhãn hiệu “Thanh trà Huế” ngày 8/9/2017, ông Lê Văn Dũng- Chủ tịch Hội nông dân, Chủ tịch Câu lạc bộ Thanh trà xã Phong Thu, Phong Điền- cho biết, xã có diện tích trồng cây thanh trà trên 95 ha, ước thu được 15 tỉ đồng, việc đăng ký tham gia nhãn hiệu tập thể “Thanh trà Huế” sẽ góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản.
Hiện thanh trà Huế được bán ở nhiều đại lý, siêu thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Thiết nghĩ, ngoài đôn đốc, hướng dẫn các hộ trồng, chăm sóc thanh trà đúng khoa học, chính quyền địa phương, các sở, ngành có liên quan cần hỗ trợ hơn nữa đưa thương hiệu "Thanh trà Huế" bay xa cũng rất cần thiết.