Theo Ngân hàng UOB Việt Nam, dữ liệu đến tháng 5 chỉ ra xu hướng tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong quý II/2021. Xuất khẩu tăng 35,5% so với cùng kỳ trong tháng 5 (so với 45% trong tháng 4), trong khi nhập khẩu tăng 54,1%, tăng hơn mức 45,8% trong tháng 4. Đến tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 130 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng với tốc độ khá nhanh ở mức 36,4% so với cùng kỳ, lũy kế ước tính nhập siêu 369 triệu USD.
Xuất khẩu của nhiều ngành hàng đã có mức tăng ấn tượng trong tháng 5 vừa qua |
Liên quan xuất khẩu lạc quan, vào thời điểm giữa tháng 5/2021, trao đổi với phóng viên Vuasanca , nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, gỗ… đều khẳng định tín hiệu thị trường đang tốt lên rất nhiều và đơn hàng họ nhận đều đến quý III/2021. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn có thêm cơ hội ở những thị trường mới mà họ chưa từng khai thác. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Công ty TNHH SX TM&XNK Thiên Minh chia sẻ rằng, trước đây công ty này vốn chỉ khai thác thị trường Đức, nhưng hiện tại nhiều đối tác tại Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển cũng đã bắt đầu làm việc với doanh nghiệp để đặt các đơn hàng trong thời gian tới.
Một điều đáng mừng hơn là nếu như trước đây các doanh nghiệp nhận hầu hết các đơn hàng, thì nay do đơn hàng “dày đặc” họ đã chọn lựa những đơn hàng có giá trị cao và có lợi nhuận hơn. “Chúng tôi thấy do có đơn hàng nhiều nên doanh nghiệp thường lựa đơn hàng có lợi nhuận cao để làm chứ không phải như trước làm bất cứ đơn hàng nào. Đặc biệt, những doanh nghiệp có trình độ quản trị ổn định, làm ra mặt hàng chất lượng cao thì họ lựa được khách hàng tốt hơn”- ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh đánh giá.
Tương tự với dệt may, ông Phạm Văn Việt- Tổng giám đốc Việt Thắng Jean cho biết, doanh nghiệp này đã nhận các đơn hàng đến hết quý III năm nay và khối lượng đơn hàng ghi nhận tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Cùng với xuất khẩu, theo đánh giá của Ngân hàng UOB Việt Nam, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 phản ánh mạnh mẽ hoạt động thương mại, với mức tăng 12,6% so với cùng kỳ, cùng mức tăng trong tháng 4. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tích cực trong năm 2021, phản ánh niềm tin từ các nhà đầu tư vào tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng vốn đăng ký FDI tính đến tháng 5 tăng 14 tỷ đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo UOB, mặc dù đạt những thành công ban đầu trong việc khống chế đại dịch nhưng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 có thể mang đến những rủi ro đáng kể đến sự phát triển của nền kinh tế trong quý III/2021, vì tỷ lệ tiêm chủng hiện vẫn thấp hơn so với các nước láng giềng. Do đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ quan ngại làn sóng dịch bệnh sẽ lan vào khu công nghiệp, ảnh hưởng tới tốc độ sản xuất, giao hàng của họ. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang nỗ lực kiểm soát an toàn để tránh sự lây lan của dịch bệnh vào nhà máy thông qua các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo, đồng thời hạn chế tối đa việc tiếp khách từ bên ngoài.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay, lo lắng lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là có đơn hàng rồi nhưng làm cách nào để có thể hoàn thành đơn hàng giao kịp tiến độ. Do đó, họ đang phải tranh thủ từng ngày, từng giờ còn an toàn để sản xuất thông qua chia nhỏ các ca làm để đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch bệnh nhằm giữ cho hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.
Trong khi đó, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đang dồn lực để khống chế dịch bệnh, cũng như đẩy nhanh quá trình tiêm chủng nhằm giúp Việt Nam sớm trở lại bình thường. Với những diễn biến mới nhất hiện nay, UOB kỳ vọng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt tăng trưởng ở mức 6,7% so với dự báo chính thức ở mức 6-6,5%.
Theo UOB, điều này giả định rằng 3 quý còn lại của năm nay có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 7,5%. Điều này vẫn khả thi trong quý II và quý III với mức tăng thuận lợi tính trên nền cơ sở vào năm ngoái (lần lượt là 0,4% và 2,7%). Đối với quý II/2021, các dữ liệu lạc quan của tháng 4 và 5 giả định GDP có thể tăng thêm 7% so cùng kỳ (quý I/2021: 4,5%), mặc dù có rủi ro với mức tăng thấp hơn do sự gián đoạn từ việc bùng phát các ca nhiễm mới vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6.