Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak (thứ 4 từ trái sang) cùng các đại biểu tham dự hội nghị do SCG tổ chức |
Tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn
Phát biểu khai mạc hội nghị, tiến sĩ Somkid Jatusripitak - Phó Thủ tướng Thái Lan chia sẻ khái niệm nền KTTH hoàn toàn trùng khớp với chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ Thái Lan nói riêng cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới nói chung với định hướng tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ giá trị cao. Vì vậy, chiến lược kinh tế từng quốc gia cũng sẽ tập trung và sự phát triển thân thiện với môi trường, cũng như sự cân bằng giữa bảo tồn và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên. Chiến lược này sẽ được hỗ trợ bởi nhiều phương thức như thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật số để khuyến khích chia sẻ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, quản lý rác thải một cách hợp lý và hiệu quả bằng cách tái sử dụng và tái chế, bên cạnh việc kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
"Với sự hợp tác của tất cả các bên, Thái Lan và khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam - nơi đang thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn của SCG sẽ cùng bước vào hành trình áp dụng mô hình KTTH hướng đến mục tiêu phát triển bền vững" - ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SCG nhấn mạnh.
Theo ông Roongrote Rangsiyopash, từ KTTH các sản phẩm sau khi được tiêu thụ, nguyên liệu thô, các sản phẩm hết hạn và năng lượng thải sẽ được tái sử dụng và tái chế thông qua các quy trình phù hợp như tái xử lý nguyên liệu, tái thiết kế, tái tạo giá trị, tái cải tiến sản phẩm và tái sử dụng, thông qua mối quan hệ hợp tác với các đơn vị kinh doanh khác nhau. Thông qua những nỗ lực này, cộng đồng có thể giảm thiểu việc sử dụng nguồn tài nguyên mới, tận dụng tối đa các tiềm năng của các nguồn tài nguyên và vật liệu cũ, giảm thiểu chất thải nhờ tái chế và sản xuất các sản phẩm chất lượng và độ bền cao. Quy trình này tạo thêm giá trị và tính bền vững cho môi trường, cộng đồng, xã hội cũng như hoạt động kinh doanh của DN.
Tại SCG cho thấy vai trò của KTTH tập trung tăng vòng đời sản phẩm, tránh sử dụng sản phẩm một lần, tạo nền tảng chia sẻ tài nguyên, làm thế nào để tái tạo lại nguồn năng lượng đã sử dụng. Cụ thể đến nay, SCG dùng bùn thải từ sản xuất giấy để làm phân bón, dùng nhựa tái chế không gây ô nhiễm môi trường sản xuất ống nhựa làm nhà cho cá ở sông, biển; dùng dây nhựa cột các cuộn giấy tái chế thành dây nhựa đan lát thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí; bao bì nhựa sử dụng ít hàm lượng nhựa hơn hoặc thân thiện với môi trường hơn với khả năng tái chế nhiều hơn; hay DN InfoZafe của SCG giúp huỷ các tài liệu mật của DN và biến giấy thải thành nguyên liệu thô để sản xuất giấy mới...
Cần sự hợp tác của các bên
Tuy nhiên, việc thực hiện thành công nền KTTH không thể chỉ dựa vào những nỗ lực của chính phủ mà còn cần sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân. Từ phía chính phủ cần khuyến khích các tổ chức áp dụng KTTH vào hoạt động kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho DN. Bên cạnh đó, công chúng cũng cần phải nhận thức tầm quan trọng của việc tiêu dùng có trách nhiệm và hành động thông qua việc tái sử dụng hoặc tái chế rác thải.
Chỉ bằng cách nỗ lực hợp tác của Chính phủ, DN và tất cả cộng đồng trong phát triển KTTH để tái thiết kế mô hình sản xuất, cần có sự kết hợp của DN, khu vực công - tư... thì quốc gia mới có thể đạt được sự thịnh vượng bền vững và lâu dài. Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak nhấn mạnh.
Theo ông Peter Bakker - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh thế giới về phát triển bền vững cốt lõi của KTTH trong bối cảnh phát triển toàn cầu và khu vực ASEAN cũng như các yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình này đó là công nghệ và đổi mới là động lực chính phát triển nền KTTH. Ngoài ra cần có sự hợp tác, làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế. Khi sản phẩm nào vứt bỏ đi thì chúng ta phải nghiên cứu đưa ngược lại sản xuất, có tầm nhìn rõ ràng từ việc nhỏ để thành việc lớn. Phải có sự hợp tác giữa các bên Chính phủ, DN, cộng đồng làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học.
Hội nghị phát triển bền vững 2018 là hội nghị chuyên đề lần thứ 5 do Tập đoàn SCG chủ trì nhằm khuyến khích công chúng nhận ra tầm quan trọng của phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNSDGs). Hội nghị phát triển bền vững 2018 sẽ là một khởi đầu tốt đẹp để phát triển hợp tác giữa các khu vực công - tư và người dân, hướng đến thúc đẩy sáng tạo công nghệ cũng như qui trình thân thiện với môi trường để phát triển trên nền tảng bền vững.