Hà Nội: Đặc sắc lễ hội truyền thống làng Duyên Trường Lễ hội đền Suối Mỡ - nét đẹp văn hóa truyền thống Thái Bình: Lễ hội Bổng Điền khơi dậy truyền thống lịch sử dân tộc Việt |
Lễ hội làng Lệ Mật là một lễ hội lớn trong vùng, còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa độc đáo, trong việc tế lễ, rước nước cùng nhiều loại hình văn hóa dân gian khác.
Theo tương truyền, vào đời vua Lý Nhân Tông (1043), có một công chúa cưng của Vua thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (tức sông Đuống ngày nay), vào một hôm, công chúa bị đắm thuyền, chết đuối không tìm thấy xác. Nhà Vua rất đau lòng bèn ra lệnh bất cứ ai tìm thấy sẽ nhận được giải thưởng lớn, nhưng không ai có thể tìm thấy.
Cộng đồng trong ngày hội làng. Ảnh minh họa |
Ở Lệ Mật có một chàng trai họ Hoàng đã anh dũng chiến đấu chống lại thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa vào bờ. Vua ban thưởng nhiều gấm vóc, vàng bạc nhưng ông đều từ chối vật thưởng và chỉ xin Vua cho những người nghèo ở làng Lệ Mật và các làng xung quanh “di cư” đến vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại.
Sau khi được nhà Vua chấp thuận, ông cùng nhân dân Lệ Mật vượt sông Nhị Hà (sông Hồng) đến khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long. Vùng đất này dần dần được bồi đắp và mở rộng thành 13 làng được sử sách gọi là “Thập Tam Trại”. 13 làng được đặt tên là Cống Vị, Ngọc Hà, Giảng Võ, Thủ Lệ, Vạn Phúc, Hữu Tiếp, Thụy Khê, Ngọc Khánh, Liêu Giai, Kim Mã, Đại Yên, Phủ Đế… Người dân Lệ Mật thờ ông là thần hộ mệnh của làng. Hàng năm cư dân của 13 làng đều trở về để tưởng nhớ công ơn của ông.
Đoàn rước Lệ Mật. Ảnh minh họa |
Như một tập tục truyền thống, sau 3 hồi trống chiêng chính thức khai hội Lệ Mật. Mở đầu cho tế lễ bao giờ cũng là hội Tư văn, tiếp theo 19 họ trong làng dâng lễ. Ngày 21 có thể coi là ngày dành cho “việc họ”, bởi các dòng họ tự lo liệu, đóng góp kinh phí làm đò lễ dâng Thánh.
Bên cạnh đó, dân làng còn làm Tế nhập tịch, người ta gọi đây là ngày mở hội hoặc mở đám, bắt đầu bằng lễ rước nước. Nghi lễ rước nước trong lễ hội Lệ Mật không chỉ mang ý nghĩa cầu nước mà còn chuyển tải nhiều nội dung khác. Nước vừa làm cho con người thanh sạch, vừa mang lại nguồn sức mạnh vô biên.
Sau lễ rước nước là lễ rước văn. Cũng như rước nước, đây là một nghi lễ rất cổ. Trước kia làng quy định 5 năm hoặc 3 năm mới rước văn một lần. Bây giờ, do có điều kiện năm nào hội người ta lại sao chép bản văn mới và tổ chức rước một lần, sau khi đọc xong thì hóa, nghi thức này do Hội Tư văn đảm nhiệm.
Vào ngày hội Lệ Mật, một nghi thức độc đáo vẫn còn được người dân địa phương lưu truyền đó là tục đánh cá thờ hay còn gọi Lễ tục Đả Ngư. Lễ tục này được bắt nguồn từ sự tích chàng trai họ Hoàng đã xả thân đánh Giảo Long, vớt công chúa nhà Lý.
Lễ Đả Ngư là một màn trình diễn tâm linh, thông qua đó gửi lời ước nguyện tri ân của công chúa đối với vị thành hoàng làng. Ước nguyện ấy dường như có ứng nghiệm là đêm trước đánh cá, trời thường vận mưa, để thông qua mưa gió mà chuyển cá từ Hồ Tây về lại giếng Ngọc cho người dân đánh bắt. Nhân dân địa phương ai cũng tin rằng con cá của công chúa gửi về bao giờ cũng được đánh dấu bằng chấm đỏ hoặc chấm ngả vàng ở trên lớp vẩy của thân cá.
Đến sáng sớm ngày 23, làng cử một đoàn nghi lễ trống dong cờ mở ra đón nhân dân Thập tam trại. Đi đầu là cờ ngũ hành, sau đó đến trống khẩu, phường bát âm, đội múa giảo long, đội tế nam, đội dâng hương và dân làng Lệ Mật. 13 đoàn Thập trang trại dần tiến vào Đình làm lễ. Năm nào “Đại lễ” thì dân Thập tam trại rước kiệu, năm nào “hội lệ” thì các trại chung nhau một lãng hoa lớn dâng lên Đức thánh. Sau đó lần lượt các trại vào dâng lễ.
Múa nghi lễ Giảo Long. Ảnh minh họa |
Phần hội luôn thu hút đông đảo người tham gia, đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Theo tục lệ xưa cứ mỗi khi làng mở hội thì màn trình diễn múa nghi lễ Giảo Long trở thành tâm điểm của lễ hội, nó bao quát toàn bộ thời gian, không gian của lễ hội.
Trong lễ hội làng còn tổ chức các hội thi rắn lớn, rắn đẹp, rắn lạ… Đồng thời, truyền bí kíp, bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc độc rắn, chữa rắn độc cắn…
Hội làng Lệ Mật là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân các thế hệ ông cha đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội cũng là cơ hội để hàng năm con cháu trong làng (gọi là dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh đô (gọi là dân kinh quán) gặp gỡ nhau ôn lại trang sử dựng làng và cùng bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên.
Lễ hội Lệ Mật - lễ hội truyền thống đầu tiên của quận Long Biên, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014.