Cụ thể, Bộ Quốc phòng Phần Lan thông báo, nước này sẽ ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) với Mỹ vào đầu tuần sau. Sau khi ký kết, thỏa thuận sẽ được trình lên để quốc hội Phần Lan phê duyệt trước khi có hiệu lực.
Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ sẽ được quyền tiếp cận không hạn chế 15 cơ sở và khu vực quân sự tại Phần Lan, cũng như cất giữ thiết bị quân sự và đạn dược tại đây. Trong số các cơ sở này có 4 căn cứ không quân và một quân cảng.
Ngoài ra, thỏa thuận cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận tuyến đường sắt dẫn tới miền Bắc Phần Lan và một kho chứa cạnh đó.
Phần Lan sẽ cấp cho Mỹ quyền tiếp cận 15 căn cứ quân sự của nước này theo một hiệp ước hợp tác quốc phòng. Ảnh: Reuters |
Bộ Ngoại giao Phần Lan cho hay, “thỏa thuận sẽ củng cố sức mạnh quốc phòng của Phần Lan vì nó cho phép lực lượng Mỹ hiện diện, huấn luyện và triển khai tranh thiết bị quân sự trên lãnh thổ Phần Lan, điều này sẽ hỗ trợ thực hiện năng lực răn đe và phòng thủ của NATO”.
Phía Phần Lan cam đoan họ không cho phép lưu trữ hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học hoặc mìn sát thương trên lãnh thổ Phần Lan, phù hợp với các hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này tham gia.
Đáp trả động thái trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cảnh báo hành động của Phần Lan, quốc gia chia sẻ biên giới chung dài hơn 1.300km với Nga, sẽ dẫn đến sự gia tăng căng thẳng giữa hai nước.
“Chúng tôi hối tiếc về hành động của Phần Lan vì chúng tôi từng có mối quan hệ tuyệt vời. Không ai trong hai nước từng đe dọa nước kia, không có bất cứ tranh cãi nào giữa hai nước vì chúng tôi không xâm phạm cũng như tôn trọng lợi ích của nhau”, ông Peskov nêu rõ.
Tuy nhiên, theo ông Peskov, việc Phần Lan trở thành thành viên NATO và cơ sở hạ tầng quân sự của liên minh này được triển khai ở Phần Lan chắc chắn sẽ gây ra mối đe dọa với Nga.
Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga “không gây ra mối đe dọa nào cho bất kỳ ai, nhưng sẽ không bỏ qua những hành động có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của mình”.
Trước đó, Mỹ cũng ký DCA với Thụy Điển, thỏa thuận cho phép quân đội nước này tiếp cận và sử dụng 17 căn cứ tại quốc gia Bắc Âu. Lầu Năm Góc nhận định thỏa thuận DCA với Thụy Điển tạo điều kiện để Mỹ hỗ trợ quân sự nước này khi cần. Đây là thỏa thuận nằm ngoài khuôn khổ NATO.
Trong số các quốc gia NATO, Mỹ đã đạt thỏa thuận tương tự với Na Uy, Bulgaria, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia, Cộng hòa Séc, Hungary và Estonia. Một thỏa thuận cũng đã được kí kết cùng Đan Mạch, nhưng đang chờ cơ quan lập pháp nước này phê duyệt.