Nga xuất khẩu nông sản phá kỷ lục; vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez giảm 45%
Nga xuất khẩu nông sản phá kỷ lục
“Năm 2023, Nga thu hoạch 147 triệu tấn nông sản, thấp hơn 10 triệu tấn so với năm 2022. Các chỉ số về sản xuất cho phép Nga tái khẳng định vị thế là nước xuất khẩu ròng nông sản”, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết.
Theo ông Patrushev, xuất khẩu nông sản đem lại cho Nga khoản thu hơn 45 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.
Nga xuất khẩu nông sản phá kỷ lục năm 2023 |
Năm nay, Bộ Nông nghiệp Nga ước tính ngũ cốc xuất khẩu sẽ đạt 60 triệu tấn. Hiện, chưa có lệnh trừng phạt trực tiếp nào áp lên hoạt động mua bán mặt hàng này, trong khi chủ yếu áp dụng với các ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân và ngành năng lượng Nga.
Bộ Nông nghiệp Nga hiện chưa công bố các thị trường xuất khẩu hàng đầu vào năm 2023. Năm 2022, các điểm đến hàng đầu của nông sản Nga là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Belarus, Hàn Quốc và Ai Cập.
Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp Nga, sản xuất sữa và thịt lần lượt tăng 500.000 tấn và 300.000 tấn trong năm 2023. Sản lượng cá lên cao nhất 30 năm, với 5,3 triệu tấn. Trong đó, riêng cá hồi đạt 600.000 tấn, đưa Nga trở thành nước sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới, Patrushev cho biết.
Vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez giảm 45%
Theo đánh giá từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), vận tải hàng hóa đi qua kênh đào Suez đã giảm 45% trong hai tháng qua, kể từ khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ.
UNCTAD cho rằng, các công ty vận tải đã định tuyến lại các chuyến tàu khỏi Biển Đỏ kể từ khi phong trào Houthi của Yemen tấn công các tàu thương mại. Số tàu đi qua kênh đào Suez ít hơn 39% so với thời điểm đầu tháng 12/2023, dẫn đến trọng tải hàng hóa giảm 45%.
Ông Jan Hoffmann, người đứng đầu bộ phận hậu cần thương mại của UNCTAD cho biết, hiện có 2 tuyến thương mại toàn cầu quan trọng bị gián đoạn, bao gồm cả dòng vận chuyển ngũ cốc và dầu kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và kênh đào Panama, nơi mực nước thấp do hạn hán đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hóa trong tháng trước đã giảm 36% so với cùng kỳ năm trước và 62% so với 2 năm trước.
“Chúng ta đang chứng kiến sự chậm trễ, chi phí cao hơn cũng như lượng khí thải nhà kính gia tăng. Lượng khí thải đang tăng lên vì các tàu đang chọn tuyến đường dài hơn và di chuyển nhanh hơn để bù đắp cho những chuyến đi đường vòng”, ông Hoffmann nhấn mạnh.
Kênh đào Suez xử lý 12-15% thương mại toàn cầu và 25-30% lưu lượng container. Các chuyến hàng container qua kênh đã giảm 82% trong tuần tính đến ngày 19-1 so với đầu tháng 12, trong khi đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), mức giảm thậm chí còn lớn hơn.