Vi phạm về đo lường tại Cửa hàng xăng dầu Hải Lựu (Vĩnh Phúc)
CôngThương - Nhiều vi phạm
Theo PGS.TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học – Công nghệ, vi phạm trong hoạt động đo lường đang diễn ra ngày càng nhiều và rất tinh vi. Có thể kể đến vi phạm về đo lường trong: kinh doanh xăng dầu (dùng chíp điện tử can thiệp cột bơm); vận tải hành khách bằng taxi (thay đổi chỉ số đồng hồ đếm km); kinh doanh điện năng, nước sạch và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn... Điều này dẫn đến việc không ít người tiêu dùng sử dụng hàng hóa không đúng định lượng đã được công bố.
Một trong những nguyên nhân của những vi phạm nêu trên là do các cơ chế, chính sách và pháp luật về đo lường của nước ta vẫn chưa được đổi mới kịp thời. Cụ thể: các quy định hiện hành (gồm Pháp lệnh Đo lường năm 1999 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành) không bao quát toàn bộ hoạt động đo lường mà chỉ tập trung điều chỉnh một số vấn đề cơ bản nhất của đo lường. Biện pháp cứng rắn để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường còn hạn chế. Chưa có các quy định chi tiết, đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường... Về phía cơ quan chức năng, do lực lượng đã mỏng, còn yếu nên chưa kiểm soát được tình hình. Nếu phát hiện được thì mức xử phạt quá nhẹ, chỉ từ vài chục, vài trăm triệu đồng (quá nhỏ so với số tiền các doanh nghiệp trục lợi) nên chưa đủ sức răn đe. Theo ông Đoàn Năng, để quản lý tốt lĩnh vực đo lường chất lượng thì cần có chế tài đủ mạnh, đó là việc ban hành Luật Đo lường.
Cần sớm có Luật Đo lường
Từ năm 2008, dự án Luật Đo lường đã được soạn thảo. Dự án luật đã được nhiều nhà khoa học; chuyên gia pháp luật trong nước và nước ngoài; đại diện các cơ quan Nhà nước; doanh nghiệp và cá nhân liên quan nhiều lần đóng góp ý kiến. Hiện nay, Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng với Bộ Khoa học- Công nghệ đang khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, nhằm hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2011.
Để chấm dứt tình trạng hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay không đáp ứng yêu cầu, luật cũng cần có những quy định đẩy mạnh đầu tư phát triển và nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định phương tiện đo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động này; tăng cường ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về kết quả đo, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Luật Đo lường khi được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, đưa các hoạt động đo lường vào trật tự cần thiết, từng bước ngăn chặn tình trạng vi phạm hiện nay. Các quy định về xử phạt và về mức xử phạt được quy định như trong luật là rất hợp lý. Nếu thực hiện nghiêm túc sẽ bảo đảm đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm. Luật Đo lường cũng góp phần đảm bảo công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế; đẩy mạnh phát triển KH-CN. Luật không chỉ tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước mà còn là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.