Ngân hàng “bán bia kèm lạc”: Cần những quy định chặt chẽ hơn
Muốn được giải ngân, phải mua bảo hiểm
Theo phản ánh từ Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp thành phố, thời gian qua nhiều doanh nghiệp và người dân muốn vay tiền phải mua bảo hiểm mới được ngân hàng giải ngân. Việc này đã làm tăng thêm chi phí, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp và người dân mỗi khi cần vay vốn.
Chia sẻ với PV Vuasanca về tình trạng “bia kèm lạc” khi vay vốn ngân hàng, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay cả khi việc room tín dụng còn dư giả thì mỗi hợp đồng vay đều được nhân viên ngân hàng “mồi” doanh nghiệp nên mua thêm bảo hiểm để được giải quyết hồ sơ nhanh hơn, được vay với lãi suất tốt hơn. Còn trong giai đoạn hạn mức tín dụng đã chạm trần thì việc mua bảo hiểm gần như là điều kiện “cần” khi vay vốn.
"Ngay như tại công ty của tôi, mỗi hợp đồng vay đều bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ 70-80 triệu đồng cho khoản vay 5-6 tỉ đồng. Thậm chí có ngân hàng còn đặt vấn đề với người đi vay bằng cách ký hợp đồng “tư vấn tài chính” với mức phí 20-30 triệu đồng.
Dù đang tồn tại một số điều khoản lạ lùng như vậy nhưng nhà kinh doanh như tôi vẫn phải chịu đựng để vay vì dòng vốn là “máu” của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay" - vị lãnh đạo công ty bày tỏ.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, danh chính ngôn thuận thì ngân hàng không không ép khách hàng mua bảo hiểm. Như trường hợp của doanh nghiệp vay 1 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng trong mùa cao điểm cuối năm, nhân viên ngân hàng chỉ bảo: “Nếu anh mua bảo hiểm thì hồ sơ sẽ được duyệt dễ hơn”. Nói vậy là đủ hiểu muốn được việc thì phải chấp nhận chi tiền cho họ. Giấy tờ của bạn có chuẩn chỉ mức nào, thì ngân hàng cũng có quyền từ chối cho bạn vay, mà không cần giải thích lý do. Thế nên, nói ngân hàng không ép nhưng khách hàng không mua không được", vị đại diện này cho hay.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi phải mua bảo hiểm mới vay được vốn ngân hàng |
Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng “bia kèm lạc” khi vay vốn ngân hàng trên không phải diễn ra ở tất cả các ngân hàng. Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Thái Bình An (Đồng Nai), bà Nguyễn Thị Thu Hà – đại diện doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp thường vay vốn tại một số ngân hàng như HD Bank, Vietinbank, … tuy nhiên khi doanh nghiệp làm hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng này đều được giải quyết nhanh chóng mà không xảy ra tình trạng “mồi chài” mua bảo hiểm. “Tôi nghĩ tùy từng lĩnh vực và hoạt động của từng doanh nghiệp mà các ngân hàng sẽ yêu cầu mua hay không”, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.
Cần những quy định chặt chẽ hơn
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều liên kết với công ty bảo hiểm. Do đó, khi làm thủ tục cho vay tín dụng ngân hàng thường khuyến khích, yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm, không chỉ doanh nghiệp mà kể cả các cá nhân. Điển hình như khi vay tiền mua nhà, nhua xe thì ngân hàng sẽ yêu cầu mua bảo hiểm. Đây không phải bảo hiểm tiền gửi mà là bảo hiểm nhân thọ. Sự liên kết này không mặc dù không bắt buộc nhưng khi ngân hàng giải quyết hồ sơ, ngân hàng thường yêu cầu khách mua luôn. Nhiều khách hàng không biết, không hiểu rõ và xem đây là một thủ tục và mua, và khi tới thời điểm đáo hạn của bảo hiểm thì khách hàng mới giật mình.
Đây là điểm không tốt mà Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nên có quy định rõ ràng. Bảo hiểm nên có kênh phân phối riêng, khách hàng mua một cách tự nguyện chứ không nên ép khách hàng mua khi vay vốn.
Hiện các ngân hàng cho vay cá nhân khó, đặc biệt là vay cá nhân tiêu dùng thì họ đòi hỏi nhiều thủ tục. Do đó nhiều khách hàng cá nhân buộc phải mua bảo hiểm để được vay. Đây là việc làm không đúng của Ngân hàng.
"Ngân hàng Nhà nước nên kiểm tra vấn đề này, yêu cầu các ngân hàng bá cáo doanh thu thông qua việc bán bảo hiểm và có giải pháp chấn chỉnh, không để tiếp tục xảy ra tình trạng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn", ông Phạm Ngọc Hưng đề xuất.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân là ngân hàng sai. Tuy nhiên hiện nay các ngân hàng vẫn bán chéo sản phẩm để gia tăng thêm lợi nhuận. Nghĩa là ngân hàng tìm kiếm thêm lợi nhuận từ việc bán sản phẩm khác qua lực lượng có sẵn là giao dịch viên của mình. Việc bán chéo sản phẩm này sẽ tốt nếu nó là tự nguyện.
Giai đoạn từ 2010 trở về trước, các ngân hàng thường dành vị trí nhất định cho nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ để họ tư vấn. Còn như hiện nay gần như là sự ép buộc. Điều này là vi phạm pháp luật vì ngân hàng sử dụng lợi thế độc quyền cho vay của mình để ép khách hàng mua.
NHNN đã có văn bản số 6535/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) về một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD. Qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các TCTD 6 tháng đầu năm 2022, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022, Công văn số 1976/NHNN-TTGSNH ngày 04/4/2022, Công văn số 4148/NHNN-TTGSNH ngày 22/6/2022, Công văn số 642/NHNN-TTGSNH ngày 17/8/2022 và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác. Đồng thời nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm, trong đó phải cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Ngày 24/11/2022, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp ép khách mua bảo hiểm khi cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN liên quan đến hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Theo đó, rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp "ép" khách hàng mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ và giải ngân cho khách hàng đúng quy định. |