CôngThương - Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và mục tiêu chiến lược phát triển thời kỳ 2011 – 2020, hơn lúc nào hết, nước ta cần có một hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả cao và an toàn. Với tinh thần đó, ngay từ đầu bước vào thực hiện kế hoạch 2011 – năm đầu tiên của lộ trình tái cơ cấu giai đoạn ngắn 2011- 2013, BIDV đã đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, mở rộng hợp tác đầu tư, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.
BIDV xác định 3 công việc lớn phục vụ tái cấu trúc mà toàn bộ hệ thống phải tập trung thực hiện đầu tiên.
Thứ nhất là tái cấu trúc năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước cũng như thị trường tài chính thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng kết thúc năm 2011, tổng tài sản của BIDV vẫn đạt 420.741 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2010; huy động vốn tăng 6,8%; dư nợ tín dụng theo đúng chỉ đạo của ngân hàng nhà nước (NHNN) (chỉ thị 01CT-NHNN) cho nên chỉ tăng 17%, thấp nhất trong ba năm gần đây; chất lượng tín dụng đảm bảo, nợ xấu dưới 2,5% tổng dư nợ, (toàn ngành ngân hàng là 3,3%); thu dịch vụ tăng cao, 26% so với năm trước; hệ số an toàn (CAR) đạt 10% , bảo đảm đúng quy định của NHNN.
Thứ hai, tái cấu trúc mô hình tổ chức và kênh phân phối. Năm 2011, BIDV đã mở thêm 51 điểm mạng lưới (gồm 5 chi nhánh, 26 phòng giao dịch và 20 quỹ tiết kiệm), nâng tổng số mạng lưới của BIDV lên 643 điểm, theo đó lắp đặt mới 200 máy ATM. Danh mục đầu tư tập trung vào các lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, năng lượng, bưu chính viễn thông, phân bón – hóa chất… Hoạt động đầu tư được mở rộng an toàn sang các thị trường khu vực Đông Dương, Myanmar và Đông Âu.
Thứ ba là tái cấu trúc vốn và chủ sở hữu. Đây là một vấn đề lớn và thời sự trên con đường phát triển, hội nhập mà BIDV đã tập trung thực hiện một, hai năm trước và cơ bản đã “kết thúc”. Cho nên ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2124/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) toàn hệ thống BIDV. Sau một thời gian ngắn triển khai, đợt I phát hành cổ phiếu IPO thành công, tổng vốn điều lệ và tổng số cổ đông được khép lại. Ngày 8/3/2012, BIDV đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, với sự hiện diện của 632 cổ đông đại diện cho tổng số 1.778 cổ đông, thảo luận kỹ và đi tới thống nhất (bỏ phiếu kín) các chỉ tiêu phát triển năm 2012 và danh sách hội đồng quản trị, ban kiểm soát của ngân hàng, với tên gọi mới: Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam. Một ngân hàng TMCP “trẻ trung”, một đại gia lớn, có tổng số vốn điều lệ hơn 23.011 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 95,7%, cán bộ, công nhân viên chức nắm 0,56% và các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân bên ngoài nắm giữ 3,68% vốn điều lệ… bắt đầu bước vào chặng đường hoạt động mới. Phương châm kinh doanh được nêu ra cụ thể, rõ ràng hơn, đó là: Đổi mới, phát triển, chuyên nghiệp và sáng tạo. Đây là những yếu tố có tác động dây chuyền, quyết định thành công, khẳng định vị thế.
Với cách nghĩ và cách làm đó, Đại hội đồng cổ đông BIDV đã thống nhất xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2012 khá cao so với năm 2011: Huy động vốn tăng 18%, tổng dư nợ tín dụng tăng 17%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2,8%, tỷ lệ chi trả cổ tức khoảng 14%/năm… và với giai đoạn 2012 – 2016, các chỉ tiêu đó là: tổng tài sản tăng 17 -18%/năm; huy động vốn 18-19%, tổng dư nợ tín dụng 17-18%; thu dịch vụ trong tổng thu nhập từ 15-20%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,8%; tỷ lệ chi trả cổ tức trên 12%/ năm… Đây là những nấc thang tạo đà cho BIDV trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh, hội nhập sâu rộng vào thị trường tiền tệ khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Một tín hiệu vui đã đến: 4 tháng đầu năm 2012, toàn hệ thống BIDV đã cơ bản ban hành đầy đủ quy chế, kỷ cương hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, ổn định bộ máy vận hành từ trung ương xuống tận cơ sở. Các chỉ tiêu kinh tế năm đều đã đạt 35% trở lên, thực sự là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc giảm lãi suất tín dụng, kiểm chế lạm phát, tạo thêm cơ hội thuận lợi cho khách hàng, nhất là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn.