Sửa Luật Chứng khoán: Tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nhiều vấn đề cần hoàn thiện trong Luật Chứng khoán sửa đổi Bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán |
Sáng 29/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đảm bảo tính đồng bộ, tránh chồng chéo
Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, việc hoàn thiện pháp luật về tài chính - ngân sách, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực như chứng khoán, kế toán, kiểm toán, ngân sách nhà nước, tài sản công, quản lý thuế, dự trữ quốc gia rất được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao để tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Sáng 29/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường (Ảnh:QH) |
Đồng thời, được quy định tại nhiều văn bản như: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XIII…
Bên cạnh đó, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.… Do đó, cần rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
Dự thảo Luật này chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định của 7 Luật hiện hành, gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Dự thảo Luật gồm 10 Điều, sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán; sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị; sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập…
Khơi thông các nguồn lực tài chính
Theo Phó Thủ tướng, đối với Luật Chứng khoán, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán. Đồng thời, hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, đề xuất sửa đổi.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: QH) |
Đối với Luật Kế toán, nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 2 nhóm mục tiêu chính. Một là áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán; tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kế toán; đơn giản hóa nội dung công tác kế toán, chứng từ kế toán nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của đơn vị kế toán. Hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán.
Với 2 nhóm mục tiêu nêu trên, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến chuẩn mực kế toán; dịch tài liệu ra tiếng Việt; kỳ kế toán đầu tiên và cuối cùng của đơn vị kế toán; đơn giản nội dung chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán điện tử; quy định về báo cáo tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán cho các bộ, cơ quan ngang bộ trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND cấp tỉnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán.
Về Luật Kiểm toán độc lập, theo Phó Thủ tướng, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến: Quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập; những người không được đăng ký, tiếp tục hành nghề kiểm toán; nghĩa vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc.
Luật Ngân sách nhà nước tại dự thảo được đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.
Đồng thời, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về chi ngấn thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên như các nhiệm vụ về chuẩn bị đầu tư; rà soát, thẩm định quy hoạch; nâng cấp, mua sắm, sửa chữa, cải tạo tài sản, dự án đầu tư… Đề xuất bổ sung quy định về việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được phân bổ vốn theo pháp luật về NSNN…; đề xuất bổ sung quy định cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; bổ sung quy định về đối tượng được phân bổ và giao dự toán ngân sách.
Mở rộng đối tượng thu thuế, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công
Liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung là để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công đối với một số quy định về: Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong việc xử lý tài sản công...
Ngoài ra, dự thảo đã quy định về cập nhật hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” đối với tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý phá dỡ, hủy bỏ tài sản công mà còn sử dụng được; hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là ngoại tệ; trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...
Tại Luật Quản lý thuế, dự thảo đã tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ thông qua đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về: Mức tiền phải trả lãi; thẩm quyền quyết định hoàn thuế; Nguyên tắc quản lý thuế; hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; quy tắc xác định thời gian tính tiền chậm nộp.
Bên cạnh đó, để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về: Nguyên tắc khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số; khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan Thuế với các cơ quan liên quan.
Tại Luật Dự trữ quốc gia, dự thảo bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.
Chỉ đề xuất sửa đổi những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc, có sự đồng thuận
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày nêu rõ, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án luật nhằm tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực này để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh (Ảnh:QH) |
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều, khoản nêu tại dự án luật; đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển.
Về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (khoản 1, Điều 1), đa số ý kiến cho rằng, đề xuất nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức, ngoại trừ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành có thể giảm thiểu được rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, đề nghị bổ sung cung cấp các số liệu như cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc giới hạn nhà đầu tư chỉ là tổ chức trong dài hạn....
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh, UBTCNS, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án luật với các lý do như đã nêu tại tờ trình của Chính phủ để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.