Năm 2011 kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng đứng trước vô vàn gian nan, thử thách do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và những bất cập nội tại nền kinh tế. Lãi suất cho vay lên tới 20-25%/năm, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) vượt trần lãi suất huy động (14%/năm) gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ; khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy mô của nhiều ngân hàng còn nhỏ, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao khoảng 23-50% trong nhiều năm, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn. Một lượng lớn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống TCTD thiếu hụt nghiêm trọng, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, có thời điểm lên đến trên 30%/năm, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, các tỷ lệ an toàn vốn của từng ngân hàng và toàn hệ thống sụt giảm....Nợ xấu tăng cao lên tới 17,2%, nhiều TCTD vi phạm nghiêm trọng các quy định về tiền tệ, ngân hàng. Kỷ luật, kỷ cương và lòng tin thị trường giảm sút.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Điều hành hệ thống ngân hàng, chính sách tiền tệ nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung không thể điều hành duy ý chí, mà cần thực hiện bài bản. Nếu làm tốt và kiên định sẽ giúp hệ thống ngân hàng được củng cố, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ quan điểm này, một cuộc cải tổ lớn đã diễn ra tại hệ thống ngân hàng trên tất cả các bình diện, trong đó những mục tiêu giảm mạnh mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tái cơ cấu các TCTD, hạ thấp tỉ lệ nợ xấu, bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ… là những trọng tâm lớn cần triển khai.
Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh từ mức 20-25%/năm xuống còn 6-11%/năm, bằng khoảng 50% mức lãi suất vào cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, hỗ trợ tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Từ 2011-2014, tín dụng tăng bình quân khoảng 13,6%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 33,3%/năm của giai đoạn 2006-2010, nhưng vẫn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mức hợp lý. Cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu.
Sau hơn 4 năm triển khai xử lý nợ xấu, gần 463 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý (bằng khoảng 99,6% số nợ xấu tại thời điểm tháng 9/2012). Chênh lệch số liệu nợ xấu giữa các TCTD báo cáo và số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thu hẹp và trùng khớp từ tháng 3/2015. Đến 30/11/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng khơi thông nguồn vốn, cải thiện tăng trưởng tín dụng và kinh tế một cách vững chắc.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình bày tỏ: Vào cuối năm 2011, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Ngân hàng thực sự khó khăn, vừa giảm lạm phát, ổn định thị trường, giảm lãi suất. Thực tế, lạm phát đã được kiềm chế, từ 18,3% (2011) xuống 6,8%. Từ 2/2011, tỷ giá ổn định cho tới bây giờ. Khi đạt được kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá tiến tới khôi phục thanh khoản hệ thống, trên cơ sở đó giảm mặt bằng lãi suất. “Những gì đạt được trong 5 năm qua là tiền đề, bài học để triển khai trong 5 năm tới”- Thống đốc Bình khẳng định.
Đánh giá của người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng, ở một chừng mực nào đó, khẳng định rằng việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2016 khó khăn hơn nhiều so với năm 2015 và 2014. Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích: Dư địa giảm giá trong năm tới của thế giới nếu có thì cũng rất ít. Thuận lợi trong kiềm chế lạm phát của Việt Nam từ yếu tố bên ngoài không có trong khi những bất ổn trên thị trường quốc tế, đặc biệt thị trường tài chính luôn rình rập tác động đến hoạt động chính sách tiền tệ nói riêng và nền kinh tế VN nói chung.
Vì thế, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Kiểm soát thận trọng các giao dịch vốn chu chuyển ngoại tệ trong nền kinh tế và các rủi ro liên quan đến luồng vốn ra, vào lãnh thổ phù hợp với cam kết quốc tế. Phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ ngân hàng hiện đại, tạo tiện ích cho khách hàng, người dân.