Ngành cao su cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại GRC 2015 |
Đánh giá kết quả trong năm 2015 của ngành cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, 2015 là năm xuất khẩu không mấy thuận lợi với các doanh nghiệp cao su Việt Nam khi giá thế giới liên tục giảm, tỷ giá biến động mạnh và có thêm nhiều rào cản thương mại từ các thị trường. Chính những nguyên nhân này đã kéo kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên năm 2015 dự kiến chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ (năm 2014 là 1,78 tỷ USD). Từ chỗ kim ngạch sụt giảm, xu hướng tiêu dùng cao su chậm lại đã tác động tiêu cực đến người trồng cao su, kéo theo diện tích trồng cao su giảm.
Tuy nhiên, theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, ngành cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô và phụ thuộc nhiều vào giá thế giới nên giá trị gia tăng chưa cao. Dẫn chứng cụ thể, ông Hà Công Tuấn cho biết, trong năm 2014 Việt Nam xuất khẩu trên 85% cao su nguyên liệu nhưng chỉ đạt gần 1,8 tỷ USD, song lại nhập khẩu sản phẩm cao su và cao su nhân tạo với giá trị lớn hơn. Trong khi đó, tuy chỉ sử dụng khoảng 15% sản lượng để chế biến sản phẩm, nhưng giá trị xuất khẩu cao su chế biến lại được hơn 1,5 tỷ USD, gần bằng với 85% nguyên liệu.
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch VRA, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho rằng, để duy trì sản xuất cao su thiên nhiên và hướng tới sự phát triển bền vững, người trồng cao su Việt Nam đang tìm kiếm những giải pháp ứng phó chủ động như: tăng hiệu quả sử dụng đất và nguồn thu nhập bằng xen canh; chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo năng suất, thu nhập cho người lao động... Đồng thời, các cơ quan như VRA, Viện nghiên cứu cao su Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp giúp người trồng giảm khó khăn gồm: kiến nghị cơ quan nhà nước áp dụng chính sách thuế và ưu đãi đầu tư; quản lý chặt chẽ chất lượng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su xuất khẩu…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp và VRA cần tập trung đổi mới công nghệ, quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường thế giới. Cùng với đó là việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cao su để phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng cao su thiên nhiên của thế giới.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế, đến năm 2020, tổng nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên ước khoảng 15 triệu tấn, trong đó sản xuất lốp xe vẫn là lĩnh vực tiêu thụ nhiều nhất, khoảng 11 triệu tấn, chiếm 72%. Do vậy, cơ cấu sản xuất cao su Việt Nam phải hướng vào nhứng sản phẩm có nhu cầu cao như trên để đẩy mạnh và nâng cao sức cạnh tranh của cao su xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tập trung cho công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cao su Việt Nam.