2014 - một năm kinh doanh khởi sắc
Thống kê báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) của 18 công ty chứng khoán đã công bố tiếp tục cho thấy một bức tranh khá sáng sủa về hoạt động của ngành này trong quí 4 vừa qua. Cụ thể, tổng doanh thu của các công ty này riêng trong quí 4-2014 đạt 1.137 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, tổng mức lợi nhuận riêng trong quí cuối năm ngoái đạt 339 tỷ đồng, gấp ba lần so với quí 4-2013. Đáng chú ý, những con số trên chưa bao gồm doanh thu và lợi nhuận của SSI - công ty chứng khoán, thường chiếm trên dưới một phần tư tổng mức lợi nhuận của toàn ngành (do chưa công bố báo cáo quí 4).
Trong số các công ty đã công bố KQKD, quán quân về lợi nhuận quí 4 thuộc về Công ty Chứng khoán TPHCM (mã chứng khoán HCM) với 56 tỷ đồng, giảm 45% so với mức 102 tỷ cùng kỳ. Nguyên nhân là do chi phí hoạt động của công ty tăng 121%, từ mức 44 tỷ đồng lên mức 97 tỷ đồng. Tuy vậy, xét trong cả năm 2014 thì lợi nhuận của HCM vẫn rất ấn tượng, đạt 376 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013. Xếp thứ hai sau HCM là VDS khi quí 4-2014 là quí ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty chứng khoán này. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VDS lần lượt đạt 101,5 tỷ và 54,7 tỷ đồng, xấp xỉ một nửa kết quả kinh doanh của cả năm 2014. Tiếp đến là các công ty chứng khoán VIX, BVS, VND, AGR, CTS- đều là những cái tên quen thuộc và có lợi nhuận trong quí 4 tăng trưởng từ 2-5 lần so với cùng kỳ.
Phân hóa và tách tốp là đặc điểm nổi bật trong hoạt động của các công ty chứng khoán năm vừa qua. Thống kê cho thấy 15 công ty dẫn đầu đã chiếm hơn 90% tổng lợi nhuận của quí 4 cũng như lũy kế cả năm 2014. Điều này là dễ hiểu khi thị phần môi giới trên cả hai sàn đa phần thuộc về các công ty này.
Tuy triển vọng của cả ngành là khá tích cực nhưng cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả các công ty khi sự sàng lọc và phân hóa sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt. |
Theo thống kê trên sàn HSX thì 10 công ty dẫn đầu đã chiếm 62,07% thị phần trong quí 4. SSI duy trì được vị thế dẫn đầu về thị phần với 12,53% cho cả năm 2014, theo sát phía sau là HCM với 11,74%. Các vị trí thứ ba, bốn, và năm trong quí 4 không có nhiều thay đổi so với quí 3 khi lần lượt thuộc về Chứng khoán Bản Việt với 7,91%; Chứng Khoán VNDirect với 5,71% và Chứng khoán ACB với 4,83%.
2015 - sàng lọc và phân hóa
Bước sang năm 2015, bên cạnh các ngành nghề, công ty được đánh giá là sẽ hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá nguyên vật liệu đầu vào có liên quan trực tiếp đến giá dầu thô thì ngành chứng khoán cũng được xem là một trong những ngành có triển vọng khả quan và có thể mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.
Có ba điểm thuận lợi chính cho hoạt động của các công ty chứng khoán trong năm 2015.
Thứ nhất, thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện. Năm 2014, khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên sàn HSX tăng khoảng hai lần so với năm 2013. Nhờ đó, mảng môi giới của các công ty chứng khoán không ngừng tăng trưởng. Khi thanh khoản gia tăng, không những phí môi giới gia tăng mà còn kéo theo rất nhiều các khoản thu nhập khác, trong đó có một phần đáng kể là các khoản thu từ cho vay ký quỹ. Ngoài dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước thì triển vọng thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm nay cũng khá khả quan khi xét đến tương quan P/E vẫn ở mức hấp dẫn so với các nước trong khu vực, đồng thời TTCK Việt Nam có thể sẽ sớm được nâng hạng lên mức thị trường “mới nổi” thay vì mức “cận biên” như hiện nay. Nếu tiến trình nâng hạng thị trường diễn ra sớm và thuận lợi, rất có thể sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào TTCK Việt Nam.
Thứ hai, với diễn biến ngày càng ổn định và hồi phục của kinh tế vĩ mô, TTCK năm 2015 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng so với năm 2014 từ 10-15%. Khi thị trường tăng điểm, cơ hội để các công ty chứng khoán lớn gia tăng lợi nhuận từ hoạt động tự doanh sẽ cao hơn.
Thứ ba, tuy triển vọng của cả ngành là khá tích cực nhưng cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả các công ty khi sự sàng lọc và phân hóa sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt. Đặc biệt, sau khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực kể từ đầu tháng 2 năm nay, các công ty chứng khoán có quy mô vốn nhỏ không còn trông chờ nhiều vào nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng mẹ hay từ các công ty thành viên trong mạng lưới sở hữu chéo. Trong giai đoạn hiện nay, cho vay ký quỹ (margin) vẫn đang là một vũ khí cạnh tranh lợi hại để các công ty thu hút khách hàng về phía mình. Khi đã không còn duy trì được nguồn margin một cách đều đặn, các công ty chứng khoán nhỏ sẽ ngày càng khó khăn hơn trước các đối thủ lớn trong ngành. Một vài công ty chứng khoán lớn như SSI, HSC, VCBS... đã và đang gấp rút lên các kế hoạch tăng vốn để đón đầu cơ hội trên. Khi dòng tiền từ ngân hàng có nguy cơ bị thắt lại, việc các công ty chứng khoán quyết liệt tìm vốn mới là điều tất yếu đồng thời mở ra cơ hội giành thị phần rất lớn cho các công ty chứng khoán thuộc tốp trên.