Ngành công nghiệp thực phẩm: Cần phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị
Tiềm năng lớn
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), CNTP là một trong những ngành có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, chiếm khoảng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm. Số lượng DN trong ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam tăng nhanh, đã hình thành một số DN, tập đoàn lớn trong nước có uy tín, thương hiệu mạnh, được đầu tư thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại như: Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood, Masan, Sabeco, Habeco, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Bibica, Hải Hà… Cùng với quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhiều hãng thực phẩm và đồ uống nổi tiếng trên thế giới cũng đã đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam như: Cocacola, Pepsi, Heineken, Tiger, Carlsberg, Saporo, Orion, FrieslandCampina, Nestle…
Dư địa của thị trường đồ uống còn lớn |
Sản xuất sản phẩm ngành CNTP và đồ uống tăng nhanh. Cụ thể, năm 2020, sản lượng sản xuất sữa tươi đạt trên 1,7 tỷ lít, gấp 3,27 lần sản lượng của năm 2010 và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 12,58%/năm; sản lượng sản xuất sữa bột đạt 131,6 nghìn tấn gấp 2,23 lần sản lượng của năm 2010 và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 8,37%/năm; sản lượng sản xuất bia đạt 4,39 tỷ lít gấp 1,81 lần sản lượng của năm 2010 và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 6,13%/năm.
Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh
Để tạo điều kiện cho ngành CNTP phát triển bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương và các ngành liên quan đã và đang tiếp tục ban hành những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, trong đó tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ DN quảng bá, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu công nghiệp, xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin về thị trường, môi trường, luật pháp kinh doanh quốc tế, ứng dụng khoa học đổi mới công nghệ…
Theo Cục Công nghiệp, các DN CNTP Việt Nam cần phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm.
Các DN tiên phong như: Vinamilk, TH True Milk, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư các dự án mới, dự án mở rộng trang trại chăn nuôi bò sữa theo công nghệ hiện đại nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu, tập trung thực hiện định hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Điều này, một mặt sẽ tạo nên sức cạnh tranh đối với các DN sữa trong nước, mặt khác lại tạo động lực để các DN nội địa cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất nhằm sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn và giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh.
Riêng với mặt hàng nước giải khát, các DN trong ngành cần tập trung đầu tư, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu sạch, hướng đến sử dụng các nguyên liệu sẵn có trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Các DN cần không ngừng đầu tư, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và phát triển mở rộng vùng nguyên liệu để từng bước chủ động nguồn nguyên liệu giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ; tăng cường giám sát bảo hộ thương hiệu, nhãn mác, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả để bảo đảm quyền lợi chính đáng của DN và người tiêu dùng. |