Tái cơ cấu ngành Công Thương: Cần những "sếu đầu đàn" đủ mạnh Tái cơ cấu ngành Công Thương song hành cùng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo |
Hiện thực hoá quyết sách bằng hành động quyết liệt
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu phát triển công nghiệp và thương mại của đất nước. Theo đó, Công Thương đã trở thành ngành quan trọng, có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, đặc biệt đảm nhận vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế.
Nhìn lại quá trình phát triển ngành Công Thương, trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra các chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp thúc đẩy phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đơn cử với ngành công nghiệp, xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng, công nghiệp luôn được định hướng phát triển theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, theo kịp nhịp độ phát triển của thế giới.
Tại Đại hội XII, Đảng ta đề ra chủ trương: “Cơ cấu lại, xây dựng nền công nghiệp theo hướng phát triển mạnh những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, từng bước có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu”.
Ngành Công Thương đã và sẽ đạt nhiều thành công trong quá trình tái cơ cấu |
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng năm 2021 cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng của doanh nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25% và đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại công nghiệp, đặt nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là mục tiêu khá thách thức nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ cho công nghiệp nước nhà, đòi hỏi sự nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời kỳ mới.
Những quyết sách thống nhất, đúng đắn của Đảng được ngành Công Thương nỗ lực thực hiện bằng những hành động quyết đoán nhưng không kém phần linh hoạt đã tạo nên bức tranh công nghiệp, thương mại đầy màu sắc và tươi sáng như ngày hôm nay. Quá trình tái cơ cấu được ngành Công Thương “vượt sóng, vượt gió” để triển khai thực hiện với nhiều thành tựu đáng ghi nhận vẫn được nhắc tới như một dấu son đáng tự hào.
Cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án nhằm mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.
Thu hái nhiều kết quả đáng ghi nhận
Đề án đặt ra nhiều mục tiêu lớn, tuy nhiên nhìn vào suốt chặng đường thực hiện tái cơ cấu những năm qua, ngành Công Thương đã đạt nhiều kết quả tích cực, là động lực cho ngành hoàn thành mục tiêu của Đề án giai đoạn mới.
Cụ thể ngành công nghiệp đã có nhiều cố gắng để khôi phục và phát triển sản xuất trong những năm qua. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2023 đã có chuyển biến tích cực, tháng 4/2023 tăng 3,6 % so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, tính chung 4 tháng năm 2023, IIP ước giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng tăng 7,8%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng cho ngành dệt may, da giày giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm, tốc độ tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh và một số trung tâm công nghiệp còn thấp.
Hiện nay, chưa thể dự báo chính xác mức độ cải thiện của kinh tế thế giới trong những năm tới do chưa thể biết bao giờ xung đột giữa Nga và Ucraina kết thúc, kinh tế Mỹ có tránh được suy thoái và kinh tế châu Âu sẽ chuyển biến ra sao, nhu cầu của kinh tế thế giới sẽ hồi phục và phát triển thế nào. Các nước phát triển cũng nâng cao các yêu cầu, tiêu chuẩn về quyền người lao động, bảo vệ môi trường, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ...
Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, có quan hệ thương mại với 221 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất-nhập khẩu hàng hóa, đồng thời cũng đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời cách mạng công nghiệp 4.0 với trí thông minh nhân tạo, Internet vạn vật, chuyển đổi sang kinh tế xanh...diễn biến nhanh chóng, đòi hỏi sản xuất công nghiệp phải tái cơ cấu, đầu tư mạnh vào khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động, cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng được sản xuất tại Việt Nam trong các sản phẩm sản xuất và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần kết nối trực tiếp theo chuỗi giá, thực hiện công khai minh bạch với các đối tác xuyên biên giới. Bộ máy nhà nước cần nâng cao hiệu quả trợ giúp doanh nghiệp, chuyển mạnh sang Chính phủ điện tử, giảm bớt các giấy phép con, chi phí không chính thức. Theo Báo cáo PCI năm 2022 của VCCI, chi phí cho cán bộ thuế gia tăng từ 33,8% (năm 2021) lên 54,5% (năm 2022). Các chi phí này làm giảm năng lực cạnh tranh, hạn chế năng lực tài chính của doanh nghiệp đầu tư vào tiến bộ khoa học-công nghệ.
Mặt khác, nâng cao năng suất lao động là yêu cầu bắt buộc trong cuộc cạnh tranh ngày nay. Các ngành công nghiệp cần chuyển mạnh sang kinh tế số, liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đổi mới, sáng tạo, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Một điển hình tiên tiến là Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hà Nội đã liên tục chuyển đổi số, đưa ra mô hình Ngôi nhà Thông Minh Smart Home, Thành phố Thông Minh Smart City, Nông nghiệp Thông Minh, liên tục tăng năng suất lao động, phát huy tính sáng tạo của đội ngũ quản lý và người lao động.
Bên cạnh công nghiệp, xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi năm 2022- lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Trong tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động và khó khăn những tiến bộ và thành tựu kể trên là rất đáng trân trọng, cần được phân tích để rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng và phổ biến trong toàn ngành Công Thương.
Những kết quả đạt được trong quá trình tái cơ cấu là nền tảng tốt cho ngành Công Thương triển khai Đề án trong giai đoạn tới. Để thành công vấn đề quan trọng nhất vẫn là thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm của những năm đổi mới, "xé rào" và cắt giảm các giấy phép con năm 2000-2001 khi thực hiện quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của công dân. Cần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nghiên cứu kỹ các giấy phép con hiện nay đã tăng lên đáng kể. Cần chuyển mạnh sang Chính phủ điện tử, thực hiện công khai minh bạch trong các quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp và công dân.
Hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến ở Đồng Tháp, Quảng Ninh, Hải Phòng… thường xuyên lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp để giảm bớt các thủ tục phiền hà, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp và công dân. Công cuộc chống tham nhũng đã đạt được nhiều tiến bộ, cần chuyển thành những quy định của Nhà nước, cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí, hình thức, kém hiệu quả, tập trung thúc đẩy vận dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế cho người dân.