Ngành Công Thương góp phần tô thắm lý luận, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng
Bài 2: Thành tựu kinh tế - luận cứ đanh thép phản bác mọi xuyên tạc
Để đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc /chu-de/kinh-te-thi-truong.topic định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, trước hết cần nhận diện những luận điệu gian trá, lấp liếm của các thế lực thù địch, những đối tượng chống phá, đi ngược với con đường cách mạng, đường lối của Đảng ta.
Luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa |
Những luận điệu xuyên tạc này thường tập trung vào những vẫn đề như: Phủ nhận tính có thể hay khả năng thực hiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cho rằng sẽ không thể có được cái gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc định hướng xã hội chủ nghĩa là tù mù, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng tù mù, rằng Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Tiếp đến, những luận điều này “gượng gạo” phân tích rằng kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là mâu thuẫn nhau, không thể dung hòa. Kinh tế thị trường là tự do, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là chuyên chế; kinh tế thị trường là đa nguyên, trong khi chủ nghĩa xã hội là nhất nguyên; kinh tế thị trường là dân chủ, trong khi định hướng xã hội chủ nghĩa là độc đoán…
Một luận điệu nữa mà chúng thường nhắm tới là kinh tế thị trường xã chủ nghĩa là không có cơ sở lý thuyết khoa học, có chăng là sự gán ghép khiên cưỡng lý thuyết thị trường với với lý luận Mác-Lênin đã lỗi thời…
Những luận điệu xuyên tạc trên rõ ràng đã thể hiện rõ tính chống phá, thù địch và thực sự cũng là của những kẻ không có nền tảng về lý luận. Mọi cơ sở lý thuyết khoa học đều dựa, xây dựng trên thực tiễn và có sự đúc kết, phát triển. Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chính là luận cứ đanh thép nhất phản bác mọi xuyên tạc, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tại Lễ công bố Bộ sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (12/5/2023), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 72 năm xây dựng và phát triển, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương Việt Nam. Dù trong từng giai đoạn, thời kỳ, chia tách rồi sáp nhập với các tên gọi khác nhau; dù chức năng, nhiệm vụ có những lúc thay đổi hoặc ngay cả khi có cán bộ chủ chốt của ngành mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng ngành Công Thương vẫn luôn giữ vững vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của lịch sử đất nước… |
Có thể khẳng định, thành tựu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới là luận cứ đanh thép nhất, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc về kinh tế thị trường định ướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong thành tựu đổi mới của đất nước, ngành Công Thương, với sự điều hành của Bộ Công Thương – bộ kinh tế đa ngành, tự hào đã đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung trong công cuộc đổi mới đất nước. Thành tựu của ngành Công Thương đã góp phần tô thắm lý luận, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng tới Hoa Kỳ hồi tháng 9/2023 |
Đánh giá tổng thể, nếu xét về quy mô, nền kinh tế của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới… Có thể thấy rằng, từ một nước nghèo đói, lạc hậu, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta không ngừng được mở rộng, GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ (USD). Nếu như ở những năm 1990, GDP bình quân đầu người ở nước ta dưới 100 USD thì năm 2023, GDP bình quân đầu người là 4.300 USD.
Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD. Đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy.
Trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19, hàng hóa tiêu dùng vẫn đảm bảo, kênh phân phối hiệu quả |
Về đối ngoại, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Nhìn vào thành tựu của công cuộc gần 40 năm đổi mới gắn với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng kinh tế xã hội ở Việt Nam, có thể thấy rõ những con số, kết quả mang đậm “dấu ấn” của ngành Công Thương liên quan đến kinh tế, thị trường nội địa, xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế…
Trước hết nhìn vào thị trường nội địa, dù đâu đó còn xảy ra tăng “nóng”, còn có chuyện găm hàng, đầu cơ… nhưng có lẽ người dân Việt Nam đã thực sự được sống trong một đất nước có hàng hóa dồi dào, giá cả phù hợp, chất lượng hàng hóa ngày một nâng cao, kênh phân phối đa dạng để người tiêu dùng thành “thượng để”, đáp ứng “khi bạn cần là có”. Với những người đã từng trải qua thời kỳ bao cấp có lẽ thị trường, hàng hóa hiện nay đúng là “giấc mơ đã thành hiện thực”. Để hiện thực hóa giấc mơ đó, cùng với nền sản xuất chung, dấu ấn trong điều tiết thị trường, tạo lập các kênh phân phối của ngành Công Thương vô cùng rõ nét. Thậm chí, ngay trong đại dịch Covid -19, thế giới và nhiều quốc gia đứt gãy nguồn cung… tại Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự điều tiết của Bộ Công Thương, lượng hàng hóa tiêu dùng vẫn giữ được sự ổn định, các kênh phân phối phát huy hiệu quả để đưa hàng hóa đến với người dân trong đại dịch.
Cùng với hàng hóa tiêu dùng, vấn đề an ninh năng lượng được đảm bảo, đáp ứng ổn định điện cho sản xuất, tiêu dùng. Đến nay, trên khắp cả nước, từ các thôn bản vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới cơ bản đều đã có ánh sáng điện lưới quốc gia…
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp duy trì đã tăng trưởng, qui mô, công nghệ ngày một hiện đại. Các vấn đề về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để số hóa, công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo… Phát triển năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo xanh, sạch, tận dụng tốt cơ hội của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quan trọng đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Dấu ấn lớn nhất là việc Việc Nam từ một nước có nền sản xuất lạc hậu, thiếu thốn nhiều thứ nay đã trở thành “quốc gia xuất khẩu” khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022…
Ngay trong những tháng đầu năm 2024, dù tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng, xung đột vũ trang ở một số khu vực… nhưng trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước vẫn đạt trên 178 tỷ USD (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD.
Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm dịch vụ với thương hiệu ngày một khẳng định |
Song song với kim ngạch xuất khẩu ngày một gia tăng, thì thứ bậc Thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng “song hành”. Việt Nam là quốc gia có giá trị thương hiệu tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023 khi đạt 102% và xếp thứ 33 trong Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới tham gia xếp hạng. Điều đó chứng tỏ hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, hình ảnh, thương hiệu Việt Nam đang ngày một vươn xa. Một Việt Nam phát triển với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang khẳng định giá trị “thương hiệu” trên trường quốc tế.