Ngành Công Thương Hải Phòng: Bứt phá tăng trưởng
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng tăng 18,03% so với năm 2013 Ảnh: Cấn Dũng |
Ông có thể cho biết vài nét hoạt động của ngành Công Thương Hải Phòng năm 2014?
Năm 2014, mặc dù kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất công nghiệp và thương mại của Hải Phòng đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so với năm 2013, tăng khá cao so với kế hoạch (6,5- 7,5%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10% và đạt 101,5% kế hoạch năm; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đạt 72.919,6 tỷ đồng, tăng 12,3% và đạt 108,7% kế hoạch; tổng kim ngạch xuất khẩu 3.570,8 triệu USD, tăng 18%, đạt 101,8% kế hoạch...
Các ngành công nghiệp truyền thống của Hải Phòng phát triển ra sao, thưa ông?
Năm 2014, ngành đóng tàu đã tăng trưởng trở lại sau hơn 3 năm “âm”, chỉ số phát triển sản xuất của ngành đóng tàu tăng 20,68%. Ngành sản xuất sắt thép giảm 0,53%, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng khi mức giảm không sâu như những năm trước. Ngành giày dép tăng 3,6%…
Trước sự suy giảm của các ngành công nghiệp mũi nhọn, Hải Phòng đã có sự điều chỉnh, hướng tới những nhóm ngành có giá trị cao, xuất khẩu nhiều và những nhóm ngành thay thế nhập khẩu. Năm 2014, tỷ trọng các nhóm ngành điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao, cụ thể: Sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 188,3%; sản xuất máy móc chuyên dụng khác tăng 146,8%, sản xuất và phân phối điện tăng 58,51%, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 43,91%...
Năm 2014, kinh tế Hải Phòng đạt kết quả khá cao: Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 8,53% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, tăng 12% so với cùng kỳ; nhiều dự án sản xuất lớn đi vào hoạt động ổn định; kim ngạch xuất khẩu tăng 18,03% so với cùng kỳ, cơ cấu kinh tế thành phố có sự chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp- dịch vụ- xây dựng, giảm dần tỷ trọng nhóm các ngành nông - lâm - thủy sản... |
Năm 2015, Hải Phòng phấn đấu thu hút 2 tỷ USD vốn FDI. Để đạt mục tiêu đó, ngành Công Thương đã có sự chuẩn bị gì về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính...?
Ngay từ cuối năm 2013, ngành công thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 2523/QĐ-UBND về danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố đến năm 2020; phối hợp với các sở, ngành đề xuất các giải pháp tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để đạt được mục tiêu thu hút 2 tỷ USD vốn FDI trong năm 2015, ngành công thương tiếp tục tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố kế hoạch tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, có đóng góp lớn cho ngân sách, khai thác lợi thế về kinh tế biển; từng bước thu hẹp dần những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...
Vậy nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển sẽ như thế nào?
Hải Phòng rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Thành phố đã tập trung rất cao cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên mọi lĩnh vực, ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí, chế biến, năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại. Phần lớn nguồn nhân lực hiện nay của các doanh nghiệp tuyển vào đã đáp ứng được yêu cầu.
Thời gian tới, để đáp ứng cho quá trình hội nhập, mở cửa và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Xin cảm ơn ông!