Ngành Công Thương Hưng Yên: Hiệu quả từ hoạt động xúc tiến thương mại
Được tổ chức tại Khu đô thị Ecopark trong 2 ngày (21 - 22/11/2020), Phiên chợ cam Hưng Yên đã thu hút được trên 25.000 lượt khách thăm quan, mua sắm. Các chủ doanh nghiệp, trang trại nhà vườn tham gia sự kiện duy trì tốt các hàng hóa, điều kiện phục vụ bán hàng. Sản phẩm bán ra với giá hợp lý, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh được thưởng thức, sử dụng sản phẩm cam đặc sản chính gốc Hưng Yên cũng như một số loại nông sản đặc trưng khác của tỉnh. Cam có giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg, đặc biệt, cam Cầu Chùa và cam Đồng Tiền được người tiêu dùng ưa chuộng có giá 50.000 - 55.000 đồng/kg. Các sản phẩm như mật ong, long nhãn, hạt sen được giới thiệu trong bao bì mới, sắc nét, thể hiện được nét đặc trưng của tỉnh Hưng Yên và nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách tham quan và người tiêu dùng. Riêng cam Hưng Yên bán trực tiếp tại sự kiện đạt khoảng 25,557 tấn với doanh thu 1,022 tỷ đồng.
Người tiêu dùng tham quan và mua sắm tại các gian hàng nông sản của tỉnh Hưng Yên |
Trước đó, Hội nghị Xúc tiến thương mại nông sản - Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh, TP. Hưng Yên trong 3 ngày từ 31/7 - 2/8/2020, với quy mô 30 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày giới thiệu nhãn quả và nông sản tiêu biểu chủ lực của các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp trong tỉnh; 2 gian hàng trưng bày hình ảnh, tư liệu, tờ rơi, phóng sự… giới thiệu, quảng bá các tour du lịch, địa điểm du lịch, lễ hội văn hóa, di tích lịch sử văn hóa,... của tỉnh. Có 12 hợp đồng tiêu thụ nhãn, nông sản của tỉnh được ký kết, đồng thời, sự kiện đã thu hút trên 2.000 lượt khách tham quan, mua sắm và tạo được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên - chia sẻ, năm 2020 là một năm khó khăn đối với ngành công thương khi dịch Covid-19 diễn ra, gây đứt gãy cung cầu, tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn. Với sự chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản của tỉnh đã góp phần thiết thực giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, kết nối với các nhà sản xuất, phân phối trong cả nước, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản, thực phẩm của tỉnh. Góp phần nâng cao nhận thức của các HTX, trang trại, nhà vườn của tỉnh về sản xuất nông sản, thực phẩm hàng hóa, nhất là trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, sơ chế, bảo quản, bao bì, đóng gói, phong cách phục vụ, bán hàng,... nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Theo đó, thiếu doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất dẫn đến khi các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảo, đồng nhất gặp khó khăn. Tỷ lệ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất, chăn nuôi còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, dễ mắc các loại bệnh… Thương hiệu sản phẩm nhãn, cam Hưng Yên có những lúc bị lạm dụng về danh tiếng, bị pha trộn nhiều loại sản phẩm của các địa phương khác nhau làm giảm uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc đăng ký chứng nhận, xác nhận tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm một số nông sản của tỉnh nói chung chưa được quan tâm đúng mức nên hạn chế khi thâm nhập vào các hệ thống phân phối uy tín. Công nghiệp chế biến, bảo quản còn hạn chế; phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng thấp.
Để hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại, trong năm 2021, ông Nguyễn Văn Thơ cho biết, ngành Công Thương Hưng Yên sẽ tích cực tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như Hội nghị kết nối cung cầu, Hội chợ xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đưa nhãn, nông sản Hưng Yên trực tiếp giới thiệu với người tiêu dùng. Kết nối đưa nhãn lồng và một số nông sản tiêu biểu của Hưng Yên tham gia vào các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống phân phối của các tỉnh, thành phố.
Song song với việc củng cố và phát triển thị trường trong nước, ngành công thương sẽ kết nối, phối hợp với cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, hỗ trợ đưa doanh nghiệp tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế để kết nối, tìm kiếm thị trường mới đặc biệt là các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, ASEAN,... Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX của tỉnh thực hiện các chương trình marketing, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế, thực hiện các thủ tục có liên quan đến xuất khẩu rau quả để kết nối đẩy mạnh xuất khẩu nhãn và nông sản của tỉnh, đặc biệt là với các thị trường có tiềm năng và tương đồng về văn hóa, tiêu dùng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ vừa tạo sự ổn định trong sản xuất, tiêu thụ vừa đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Hỗ trợ thiết kế, sản xuất bao bì sản phẩm mang hình ảnh nhận diện nông sản Hưng Yên, tạo sự đồng bộ trong quảng bá nông sản, khẳng định uy tín và thương hiệu nông sản Hưng Yên.