CôngThương - Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP.HCM cho biết, trong năm 2011, đơn hàng xuất khẩu của ngành da giày khá dồi dào. Điều đáng chú ý là đơn giá xuất khẩu trung bình các sản phẩm giày dép đều tăng từ 5,35% - 15% (tùy loại) so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài lợi thế lớn về chính sách thuế quan ở thị trường Nhật Bản và thị trường Trung Quốc, ngành da giày còn thuận lợi khi Bộ Công Thương vừa phê duyệt “Chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giày Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2025”.
Tuy nhiên, ông Khánh nhận định, khi EU bỏ thuế chống bán phá giá cho giày Việt Nam thì đồng thời EU cũng bỏ thuế chống bán giá cho Trung Quốc. Trước đây Trung Quốc bị EU áp dụng mức thuế 16,5%, trong khi Việt Nam là 10%. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ mất đi lợi thế giá so với Trung Quốc là 6,5%.
Hiện, phần lớn các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ có thể sản xuất cầm chừng do đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giá nguyên phụ liệu tăng đến 20-30% so với năm 2010, lãi vay cao, tiếp cận nguồn vốn khó và thiếu lao động trầm trọng đang đặt các DN trong cảnh tiến thoái lưỡng nan. Không nhận đơn hàng thì không đảm bảo việc làm cho công nhân. Nhận nhiều đơn hàng thì lại lo không gánh nổi chi phí trong hoàn cảnh vật giá leo thang như hiện nay vì rất khó để thỏa thuận điều chỉnh giá bán sản phẩm với khách hàng nước ngoài… Nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, ông Khánh cho rằng các bộ, ngành cần xem xét giảm thuế VAT, thuế thu nhập cho các DN trong ngành.
Ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc công ty TNHH Nhất Liên Minh phân tích, bên cạnh những khó khăn về lãi suất cao, giá nguyên phụ liệu tăng… thì việc phải tăng lương để giữ lao động cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN. Để khắc phục một phần các khó khăn và ổn định sản xuất, DN đã phải tăng lương cho công nhân để giữ lao động ổn định sản xuất, tránh thiệt hại trong việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Thái, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Thắng chia sẻ, vốn của DN thông thường đầu tư vào nhà xưởng, trang thiết bị vì vậy vốn lưu động còn rất ít. Hiện nay nguồn vốn sản xuất và kinh doanh của DN phải dựa vào ngân hàng, nhưng với chính sách tín dụng áp dụng hạn mức cho vay rất hạn chế của các ngân hàng đã cản trở không ít tới hoạt động của DN. Công ty đang tính đến nhiều phương án để tăng năng suất, nâng cao giá trị xuất khẩu, trong đó có việc đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường truyền thống và thương lượng với đối tác để nâng đơn giá.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, về khách quan có thể nhận thấy việc EU chấm dứt áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, nếu các DN XK da giày không lưu ý đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo giá XK được nâng lên một cách hợp lý (ít nhất đạt mức giá thời kỳ trước khi bị áp thuế chống bán phá giá) thì rất có thể các DN trong Liên minh châu Âu sẽ mở cuộc điều tra mới về chống bán phá giá. Vì vậy, các DN cần có giải pháp để tăng tốc độ tăng trưởng xuất vào EU và xác định giá bán hợp lý để tránh các vụ kiện tương tự trong tương lai.