Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Ngành dầu khí là một trong những trụ cột của kinh tế biển |
Bộ phận quan trọng của kinh tế biển
Đó là nhận định của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển” diễn ra sáng ngày 28/10/2018 tại Hà Nội. Tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức nhằm làm rõ vai trò ngành Dầu khí trong chiến lược kinh tế biển Việt Nam.
Kinh tế biển có ý nghĩa hết sức quan trọng với nước ta, đất nước có đường biển dài và là cửa ngõ hàng hải thông thương của khu vực Đông Nam Á. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã khẳng định, kinh tế biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. Trong đó, dầu khí là bộ phận quan trọng của kinh tế biển.
Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đã đưa ra những đánh giá khách quan vai trò của ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển. Các ý kiến đều cho rằng, ngoài giá trị đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, dầu khí có vai trò cực kỳ quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là an ninh trên biển. Không những thế, ngành dầu khí còn có tác động sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương nơi có công trình dầu khí đứng chân; đồng thời có tác động lan tỏa rất quan trọng đến phát triển các ngành công nghiệp khác, cũng như những ngành dịch vụ, thu hút lao động, giải quyết việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm ủy ban QH về các vấn đề xã hội chia sẻ, trước đây, huyện Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa năm nào vào vụ giáp hạt cũng bị thiếu đói. Từ khi có nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vùng đất này đã thay da đổi thịt, trở thành vùng công nghiệp phát triển với lực lượng lao động có chất lượng. Ngành dầu khí đã góp phần quan trọng giúp thay đổi kinh tế xã hội của địa phương, tác động đến đời sống của từng người dân, giải quyết việc làm lớn cho vùng đất này.
Hoàn thiện khung pháp lý ngành dầu khí từ thượng nguồn đến hạ nguồn
Tuy nhiên, để có thể phát triển kinh tế biển bền vững, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế biển, trong đó có lĩnh vực dầu khí có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Phúc- nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế QH cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý trong ngành dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Hiện nay, ngành dầu khí đã phát triển khá hoàn thiện trong chuỗi giá trị, từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn, trong khi Luật Dầu khí chỉ quy định khâu thượng nguồn, còn các khâu khác chưa được đề cập.
Theo đại diện lãnh đạo các đơn vị dầu khí, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như Chuỗi Dự án Khí Lô B Ô Môn hiện đang cần tháo gỡ về cơ chế chính sách. Cụ thể, đối với Chuỗi Dự án Khí Điện Lô B-Ô Môn để giảm thiểu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, ông Lê Ngọc Sơn- Tổng giám đốc Công ty điều hành POC Phú Quốc kiến nghị, Chính phủ sớm phê duyệt Báo cáo tiền khả thi cho các nhà máy điện Ô Môn cũng như sớm có chủ trương đầu tư cho nhà máy điện Ô Môn 2 trong tháng 11/2018; đồng thời, sớm ký kết bảo lãnh Chính với các nhà đầu tư nước ngoài làm cơ sở cho các bên ra quyết định đầu tư cuối cùng trong năm 2018.
Còn đối với Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Trần Ngọc Nguyên- Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, nhu cầu về hóa dầu ngày càng tăng nên việc Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cần phải đẩy nhanh tiến độ, vấn đề này đòi hỏi phải thu xếp được nguồn vốn. Ông Nguyên kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ổn định về thuế để công ty có thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng thương mại quốc tế, đẩy nhanh tiến độ dự án, mang lại hiệu quả cao cho phát triển kinh tế đất nước.
Theo Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Phạm Xuân Cảnh, trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục tập trung phát triển 5 lĩnh vực theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, trong đó xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Hiện tại, PVN đang nỗ lực tập trung tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Việc Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược kinh tế biển là cơ hội, động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí, trong đó PVN giữ vai trò mũi nhọn của ngành kinh tế biển- Phạm Xuân Cảnh nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trước bối cảnh thay đổi của thế giới hiện nay, đã đến lúc cần sửa đổi các chính sách đối với các dự án của Tập đoàn Dầu khí cũng như cần phải sửa đổi Luật Dầu khí cho phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn mới.