Ngành dệt may: Thích ứng an toàn với dịch Covid-19
Thiếu hụt lao động trầm trọng
Nối tiếp đà tăng trưởng của năm 2021, quý I/2022, các DN dệt may có lượng đơn hàng dồi dào, nhiều DN đã có đơn hàng đến quý III/2022. Tuy nhiên, DN vẫn chưa thể yên tâm do tình hình dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh số lượng NLĐ phải nghỉ làm do mắc Covid-19 tăng cao trong thời gian qua.
Doanh nghiệp dệt may có nhiều phương án linh hoạt thích ứng với dịch Covid-19 |
Theo khảo sát nhanh của Công đoàn Dệt may Việt Nam (DMVN), mặc dù tỷ lệ NLĐ quay lại làm việc sau tết đạt trên 98% nhưng đến tháng 3/2022, do diễn biến dịch phức tạp nên tại nhiều DN, số lượng NLĐ phải tạm nghỉ do mắc Covid-19 chiếm khoảng 25 - 30%. Đặc biệt, có những DN tại thời điểm đỉnh dịch, con số này lên đến 40%.
Theo lãnh đạo Công đoàn DMVN, do đã tiêm phòng Covid-19 nên sức khỏe của đa số NLĐ ổn định, không có dấu hiệu trở nặng, tuy nhiên vẫn phải nghỉ điều trị và cách ly theo quy định của Bộ Y tế từ 7 - 10 ngày. Do vậy, nhiều DN bị thiếu hụt lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, tiến độ giao hàng, nhất là trong tình hình các đơn vị đang có nhiều đơn hàng như hiện nay.
Nhiều phương án ứng phó
Trước tình hình trên, các DN ngành dệt may đã có nhiều phương án linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh và chăm lo cho NLĐ là F0 sớm phục hồi, trở lại làm việc với sức khỏe và tinh thần tốt nhất. Tiêu biểu, Tổng công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội, thời điểm đỉnh dịch, có tới 30% NLĐ phải nghỉ làm. Giải pháp được lãnh đạo DN đưa ra là ngay lập tức làm việc với khách hàng để điều chỉnh kế hoạch và phương án giao hàng phù hợp với năng lực lao động hiện có. Đồng thời, ký hợp đồng gia công với các đơn vị liên kết, đơn vị bạn để đảm bảo tiến độ công việc. Đối với NLĐ F0, Công đoàn Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội đã hướng dẫn đầy đủ các biện pháp chăm sóc sức khỏe, thực hiện cách ly, khai báo để NLĐ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như có biện pháp theo dõi, chăm lo, hỗ trợ cho NLĐ F0 khi đi làm trở lại.
Với Tổng công ty May 10 - CTCP, do các đơn vị thành viên đóng trú tại nhiều địa phương mà tỷ lệ F0 mỗi nơi khác nhau, Ban lãnh đạo đã ra phương án để các đơn vị điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Đồng thời, điều chuyển lao động từ đơn vị ít F0 sang đơn vị nhiều F0 nhằm đảm bảo tiến độ công việc.
Là một trong những đơn vị có tỷ lệ lao động mắc Covid-19 cao (40%), Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 đã linh hoạt chuyển đổi ca phù hợp nhằm hỗ trợ các bộ phận, công đoạn có nhiều NLĐ là F0. Các trường hợp là F1 vẫn đi làm bình thường, được công ty bố trí khu làm việc riêng biệt. Đối với NLĐ F0, bên cạnh việc duy trì việc đóng BHXH, công ty còn hỗ trợ thêm 50.000 đồng/người/ngày và phát kit test nhanh cho NLĐ.
Tại khu vực miền Nam, với kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh năm 2021, các đơn vị đã chủ động trong phương án sản xuất, sẵn sàng đối phó với những tình huống khác nhau. Vì vậy, về cơ bản, những tháng đầu năm 2022, tình hình SXKD của các đơn vị vẫn được đảm bảo và đúng thời gian giao hàng.
Ông LÊ NHO THƯỚNG - Chủ tịch Công đoàn DMVN: Thích ứng linh hoạt để chung sống an toàn với Covid-19 là điều cần thiết hiện nay khi dịch bệnh không có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn mà DN vẫn phải đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy, đời sống và thu nhập NLĐ được ổn định. |