Ngành gạo cần xây dựng thương hiệu theo chuẩn Quốc gia
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu và chủ trì hội thảo sáng nay |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, hiện nay tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn khi nguồn cung tăng nhưng cầu thế giới lại giảm. Do đó, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo nhằm cùng các địa phương, doanh nghiệp đưa ra giải pháp để đưa ngành gạo xuất khẩu bền vững, có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Nhận định về những khó khăn của ngành gạo xuất khẩu, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay của gạo xuất khẩu là việc mở rộng, gia tăng sản lượng nguồn cung, đa dạng hóa sản phẩm, xả gạo tồn kho của Thái Lan và nổi lên các nước sản xuất - xuất khẩu gạo (Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…) cạnh tranh xuất khẩu ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, các nước có xu thế nhập khẩu như: Philippine, Malaysia, Trung Quốc đang từng bước tự cung cấp nguồn lương thực cũng như đưa ra các rào cản thương mại mới.
Theo dự báo vụ Đông Xuân 2016 - 2017 lượng gạo tồn kho ở các nước sản xuất và xuất khẩu gạo đều lớn. Tỷ lệ tồn kho trên tiêu thụ liên tục cao hơn bình thường trong 3 niên vụ liên tiếp (2014/2015, 2015/2016, 2016/2017) đều vượt mức từ 24 - 25%, trong khi đó tỷ lệ tồn kho thông thường từ 18 - 20%.
Từ đó cho thấy, lượng và tỷ lệ tồn kho ở các nước cao hơn bình thường, dẫn đến nguồn cung tăng, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ nay đến cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 tiếp tục bị ảnh hưởng lớn.
Ngoài thách thức nói trên, sản xuất lúa gạo tại vùng ĐBSCL còn đang gặp trở ngại lớn về biến đổi khí hậu, nước biển dâng dẫn đến sự thoái hóa đất khiến việc canh tác sản xuất cây lúa sẽ gặp khó khăn hơn.
Để thích ứng, ông Năng cho rằng ngành lúa gạo cần tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng với giá thành cạnh tranh. Trong đó, giải pháp trung hạn và ngắn hạn là xây dựng vùng nguyên liệu an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc.
Liên quan đến việc nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, ông Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL - cho rằng, Việt Nam phải xây dựng thương hiệu gạo xếp theo các nhóm chính như: Gạo trắng, gạo thơm, gạo nếp… Ông Mẫn khẳng định: Mấu chốt của ngành gạo hiện nay chính là xây dựng tốt vùng nguyên liệu, có giống lúa tốt và đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Một số giống lúa có năng suất cao được ông Mẫn nêu ra phải kể tới như: OM 6976, OM 6900, IR50404…
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Dù chúng ta đã xuất khẩu gạo 30 năm nhưng trên thực tế việc sản xuất, xuất khẩu vẫn còn nhiếu bất cập, hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Thứ trưởng cho rằng, chúng ta cần xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam theo thương hiệu Quốc gia chứ không phải thương hiệu doanh nghiệp riêng lẻ. Làm sao để khách hàng thế giới khi nhắc tới gạo Việt Nam sẽ hình dung ra được rằng đó là nước sản xuất gạo theo tiêu chuẩn cao, các doanh nghiệp không đáp ứng quy định đưa ra sẽ không được phép xuất khẩu… và họ hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng gạo của Việt Nam.
Muốn làm được điều này, thay vì chạy theo số lượng như hiện nay, ngành lúa gạo cần quy hoạch cụ thể lại xem phải trồng giống gì, trồng bao nhiêu và quan trọng nhất là phải trồng theo nhu cầu thị trường chứ không phải trồng đại trà rồi mới tính tới chuyện xuất khẩu.