Đang trên đà phục hồi, xuất khẩu gỗ lại đối diện thách thức mới Xuất khẩu gỗ: Càng khó càng phải tìm cách thích nghi Cơ hội tìm kiếm đơn hàng cho doanh nghiệp gỗ tại HawaExpo 2024 |
Theo dự báo của Amazon Global Selling, thương mại điện tử có thể trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam trong 5 năm tới, với giá trị xuất khẩu dự kiến lên đến 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA), Bộ Công Thương, thương mại điện tử đang góp phần khắc phục các rào cản trong hoạt động thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường kinh doanh, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.
Không riêng thị trường Việt Nam, tiêu dùng toàn cầu đang tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển từ offline sang online với doanh thu thương mại điện tử tăng trưởng qua từng năm, mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng cho các doanh nghiệp.
Thống kê của Amazon Global Selling cho thấy, hiện 5 ngành hàng xuất khẩu tốt nhất qua kênh thương mại điện tử, gồm: nhà cửa (nội thất), nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Điển hình như với nhóm hàng nội thất và trang trí nhà cửa đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn 2020-2022. Trong vòng 3 năm trở lại đây, nhà cửa và nhà bếp cũng liên tục góp mặt trong Top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.
Một con số ấn tượng cho thấy 62,3% số lượng truy cập tìm kiếm online về nội thất sẽ chuyển đổi thành giao dịch trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu và gặt hái thành công khi xuất khẩu nội thất qua Amazon.
Nhiều sản phẩm đồ gỗ và nội thất của Việt Nam được xuất khẩu qua Amazon (Ảnh minh họa) |
Điển hình như với Công ty TNHH TIDITA, ông Trung Bùi - nhà sáng lập TIDITA, thương hiệu đồ gỗ nhà bếp và trang trí nhà cửa cho biết, năm 2017 công ty bắt đầu đưa các sản phẩm ra thị trường, tuy nhiên mới khởi nghiệp, vốn hạn hẹp và chưa chọn đúng sản phẩm mà thị trường cần, doanh nghiệp đã chịu lỗ, thậm chí rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, khi biết cách tận dụng các công cụ của Amazon để thực sự hiểu thị trường và hiểu khách hàng, TIDITA dần có được thành công.
“Năm 2022, 90% các sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá tốt trên Amazon, và doanh nghiệp liên tục đạt được tăng trưởng doanh số 300% trong vài năm trở lại đây. Những trái ngọt này là kết quả của việc vượt lên chính mình từ không ít thử thách và khó khăn”, ông Trung Bùi cho biết.
Cũng theo ông Trung, nếu tận dụng tốt nguyên liệu có sẵn và thế mạnh nhân công của Việt Nam, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp lớn trên thế giới bằng thương hiệu uy tín và chất lượng sản phẩm cao. “Theo tôi quan sát được, nhiều doanh nhân Việt sở hữu tư duy linh động, biết người biết ta, luôn tìm ra được kẽ hở thị trường", nhà sáng lập TIDITA tự tin khẳng định.
Theo các chuyên gia trong ngành, nội thất và trang trí nhà cửa là ngành hàng có tiềm năng lớn và vẫn còn nhiều lợi thế chưa được khai thác từ nguồn lực nội địa lẫn nhu cầu thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh xuất khẩu gỗ vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, việc chuyển sang bán hàng trên các kênh online sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam điều hướng và nhanh nhạy thích ứng, nắm bắt các cơ hội kinh doanh chưa được khai thác và phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới.