Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương vào tuần qua, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời các câu hỏi về quản lý sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là về sàn thương mại điện tử Temu.
Buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vào chiều 23/10 vừa qua. Ảnh: Cấn Dũng |
Đáng chú ý nhất tại sự kiện là câu nói của Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Về giá cả, tôi cũng ngạc nhiên khi thấy giá của họ rất rẻ, nhưng cần điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng vì chưa thể khẳng định mức giá đó là chính xác.”
Trên thực tế, gần một tháng qua, người tiêu dùng Việt Nam đã liên tục bắt gặp các quảng cáo rầm rộ về sàn Temu, giới thiệu mức giá giảm sâu đến 90%, thu hút đông đảo sự quan tâm và chú ý.
Lý giải về mức giá thấp này, đại diện của Temu từng chia sẻ với kênh truyền hình CBS (Mỹ): “Chi phí hiệu quả của chúng tôi đến từ việc kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nhà sản xuất, loại bỏ các khâu trung gian và chênh lệch giá. Ngoài ra, mô hình từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng giúp giảm chi phí vận chuyển, lưu kho và xử lý, đảm bảo giá cả phải chăng và giao hàng nhanh chóng".
Tuy nhiên, hàng loạt các phóng sự điều tra của báo chí quốc tế đã cho thấy giá bán “gây sốc” của Temu còn xuất phát từ các “chiến thuật” khác, bao gồm áp giá ép người bán và cung cấp sản phẩm có chất lượng thấp, thậm chí gây nguy hiểm đến người mua hàng.
Người bán hàng trên Temu bị "ép" bán giá thấp
Theo điều tra của tạp chí Wired (Mỹ), một phần lý do hàng hóa trên Temu có giá rẻ là do công ty này đã tạo áp lực lớn lên các nhà bán lẻ hàng hóa tại Trung Quốc, buộc họ phải giảm giá xuống mức khó có lợi nhuận.
Sàn thương mại điện tử Temu. Ảnh: Reuters |
Chia sẻ với tạp chí Wired, Tai Shi, một người bán hàng trên Temu cho biết, anh được Pinduoduo (phiên bản nội địa của Temu) tiếp cận lần đầu vào năm 2022 sau khi đã kinh doanh hàng gia dụng trên mạng nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi tham gia Temu, anh nhận thấy mình không thể kiểm soát giá bán sản phẩm.
Theo anh, Temu thường yêu cầu anh giảm giá mặt hàng và nếu đồng ý, nền tảng này sẽ tự quyết định mức giá mới. “Bạn không có quyền quyết định giá sản phẩm. Nếu không muốn hạ giá, sản phẩm của bạn có thể bị gỡ khỏi Temu”, anh chia sẻ.
Tương tự, Sandy – một người bán sản phẩm cho thú cưng – cho biết chị đã ngừng bán hàng trên Temu từ tháng 3/2024. Chia sẻ với Wired, Sandy nói: “Chúng tôi gửi vài sản phẩm để thử bán trên Temu, và khi thấy sản phẩm bán chạy, Temu yêu cầu chúng tôi gửi thêm hàng với số lượng lớn. Sau khi chi tiền cho chi phí kho vận, Temu lại yêu cầu chúng tôi giảm giá hàng hóa”.
Giống như Tai Shi, Sandy cũng khẳng định rằng nếu người bán hàng không đồng ý với mức giá của Temu, sản phẩm sẽ bị gỡ khỏi trang thương mại điện tử này. Sau khi chấp nhận bán hàng với giá lỗ trên Temu, Sandy đã đóng cửa trang bán hàng trên Temu, bất chấp vô số lời mời chào quay lại. “Bất kỳ cơ hội nào mà Temu hứa hẹn cho tôi cũng không thể bù đắp cho tổn thất cho tôi phải chịu”, chị Sandy nói.
Giống như Sandy, Ann Zhang, một người bán sản phẩm mẹ và bé trên Temu, cũng khẳng định rằng người bán hàng phải chịu chi phí kho tải, cũng như các chi phí chứng nhận sản phẩm và các loại thuế. Chia sẻ với kênh truyền hình ABC (Australia), chị Ann Zhang thừa nhận: “Tôi vẫn đang bị lỗ. Kể từ khi bán hàng, tôi đã đầu tư trên 15.000 nhân dân tệ (tương đương 53,2 triệu đồng), và đến nay chỉ mới thu lại 600 nhân dân tệ (tương đương 2,1 triệu đồng)".
Hàng hóa kém chất lượng, thậm chí “nguy hiểm”
Temu cũng là nơi bán nhiều hàng hóa kém chất lượng và thậm chí là gây rủi ro về an toàn. Theo tạp chí Time (Mỹ), kể từ năm 2022, hàng loạt khách hàng của Temu tại Mỹ đã phàn nàn về hàng hóa không được giao, sản phẩm nhận được không đúng như quảng cáo.
Một bài phóng sự điều tra của tạp chí Which (Anh) đã phát hiện hàng loạt máy sưởi mua từ Temu có nguy cơ gây điện giật, thậm chí gây cháy nổ. Hệ thống điện và dây dẫn bên trong các sản phẩm từ Temu cũng được Which cho là kém chất lượng, một số còn sử dụng cầu chì giả.
Còn trong một phóng sự điều tra khác của kênh truyền hình Channel 4 (Anh), một chuyên gia thử nghiệm chất độc đã phát hiện một chiếc vòng cổ “bạc”, được bán với giá 2,17 bảng Anh (tương đương 71 nghìn đồng) trên Temu có chứa lượng chì gấp mười lần so với quy định. Các chuyên gia cũng phát hiện một chiếc áo khoác trẻ em trị giá 11,09 bảng Anh (tương đương 363 nghìn đồng) được bán trên Temu có chứa antimon, một chất có thể gây hại với hệ thần kinh trẻ
Theo Channel 4, việc tiếp xúc lâu dài với kim loại nặng như chì và antimon có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như làm sẩy thai, vô sinh và tổn thương các cơ như thận và phổi. Kênh này cũng dẫn lời giáo sư hóa học hữu cơ Laurence Harwood cho biết: "Trẻ em dưới sáu tuổi đặc biệt rất dễ bị ngộ độc chì và các kim loại có thể gây rủi ro đến sự phát triển tinh thần, thể chất và có thể gây ra các vấn đề về thần kinh ở cả người trẻ và người già".
Chứng nhận an toàn có dấu hiệu bị làm giả
Cũng trong phóng sự điều tra của Channel 4, một số sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử Temu đã bị phát hiện có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận an toàn từ các tổ chức uy tín.
Cụ thể, trang Temu tại Anh hiện đang bán nhiều sản phẩm gia dụng điện với chứng nhận an toàn của VDE (một tổ chức kiểm tra và chứng nhận sản phẩm điện tại châu Âu). Tuy nhiên, ông Hendrick Schafer, đại diện của VDE, cho biết hình ảnh chứng nhận an toàn của những sản phẩm này đã bị chỉnh sửa, bằng cách chèn tên người bán hàng Temu vào tên của người sở hữu chính hãng.
Ông Schafer khẳng định: “Đây là bản sao giả mạo và hành động này là bất hợp pháp. Các thiết bị điện nếu có giấy chứng nhận giả mạo có thể không đảm bảo cách điện, gây ra nguy cơ giật điện và thậm chí là dẫn đến tử vong.”
Channel 4 còn phát hiện nhiều sản phẩm y tế trên Temu được gắn nhãn “được FDA chứng nhận” và “được FDA chấp thuận.” Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cơ quan này chưa từng cấp phép hay chứng nhận cho bất kỳ sản phẩm nào mà Channel 4 nêu tên.
Ngoài ra, phóng viên Channel 4 cũng tìm thấy các móc khóa carabiner (một dụng cụ leo núi và xây dựng) trên Temu với nhãn hiệu an toàn của UIAA (Liên đoàn Leo núi Quốc tế). Tuy nhiên, ông Nick Galpin, đại diện UIAA về tiêu chuẩn an toàn, cho biết các sản phẩm này không có nhãn hiệu của nhà sản xuất in trên sản phẩm, khiến việc xác minh nguồn gốc và chứng nhận an toàn gặp khó khăn. Ông Galpin cũng khẳng định: “UIAA sẽ không cấp nhãn an toàn cho bất kỳ sản phẩm nào mà không có nhãn hiệu rõ ràng.”
Nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới Temu ra mắt lần đầu vào tháng 9/2022, thuộc Tập đoàn PDD (Trung Quốc) và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vào ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường. Tại Công văn 8598/BCT-TMĐT ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam ngay trong tháng 10/2024. Trong trường hợp cần thiết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng mại điện tử, gồm các sàn xuyên biên giới như Temu. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. |