Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước Bộ Công Thương chủ động lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành mía đường |
Khó khăn của ngành mía đường
Chia sẻ tại tọa đàm Tọa đàm “Thực trạng ngành mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” do Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Võ Văn Út, một hộ nông dân trồng mía tại tỉnh Phú Yên cho biết: “Những năm qua, bà con nông dân chúng tôi rất khó khăn và điêu đứng, vì diện tích cây mía giảm dần qua từng năm. Trong khi cây mía là cây chủ lực của miền núi tỉnh Phú Yên, là sản phẩm được bao tiêu thì thời gian vừa qua, ngoài khó khăn do thiên tai, việc giá thu mua quá thấp khiến bà con nông dân trồng mía bị thất thu, một số bà con giảm diện tích trồng mía”.
Nguyên nhân do sản phẩm đường Thái Lan nhập khẩu tràn vào với giá rẻ, các nhà máy đường không bán được với giá cũ mà phải bán với giá rẻ hơn nên họ chào giá thu mua cây mía với bà con nông dân giá thấp hơn. “Mặc dù bà con vẫn trồng mía bán cho các nhà máy nhưng thu nhập không được đảm bảo, rất khó khăn. Các nhà máy gặp khó khăn như vậy cũng tác động rất lớn đến bà con nông dân trồng mía” – ông Võ Văn Út cho hay.
Khó khăn đầu ra của nhà máy đã tác động trực tiếp đến người nông dân trồng mía khi giá thu mua mía của các nhà máy buộc phải giảm thấp, đầu ra của cây mía hầu như bị bịt kín. Bình thường nếu gặp thời tiết thuận lợi, năng suất cao thì bà con trồng mía còn có lãi đôi chút, nhưng nếu gặp phải thời tiết không thuận lợi như hạn hán năm 2019 (9 tháng không có mưa) thì kết quả thua lỗ rất nặng.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết ATIGA đối với đường từ ngày 01/01/2020 và ngay sau khi bắt đầu thực thi hiệp định bắt đầu từ tháng 02/202,0 đã có một lượng đường nhập khẩu rất là lớn tràn vào Việt Nam. Lượng đường này gấp đôi lượng đường trong nước sản xuất vào vụ ép năm 19/20, lượng thì lớn mà giá rất rẻ, giá đường chỉ xấp xỉ giá các nhà máy mua mía. Với lượng lớn, giá rẻ như thế thì lượng đường nhập khẩu này hoàn toàn làm chủ thị trường và dìm giá đường trong nước xuống rất thấp.
Với giá thấp như thế, đường không bán được, chuỗi sản xuất nhà máy - nông dân đứt, nhà máy không có tiền trả cho nông dân, nông dân buộc phải giảm trồng mía, chuyển trồng cây trồng khác dẫn đến diện tích mía thu hẹp, nhà máy đóng cửa ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Đáng chú ý, theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước khi ngành đường thực thi, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến năm 2010 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động bởi một nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Trong 30 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy thua lỗ, khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Đặc biệt, có những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan.
Trước tình hình đó, 6 nhà máy đường với đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.
Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578 áp dụng thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan với mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.
Do bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 giảm tới 75%. Điều này làm giảm tốc độ cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá được sản xuất trong nước tăng lên.
Hiệu quả cao từ các biện pháp phòng vệ thương mại
Ông Nguyễn Văn Lộc đánh giá, các biện pháp phòng vệ thương mại mà ngành Công Thương áp dụng cho ngành mía đường mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, minh bạch vai trò của ngành mía đường. Nếu như trước đây, trong một thời gian rất dài ngành mía đường mang tiếng là chỉ trông chờ vào bảo hộ, không có năng lực cạnh tranh. Sau quá trình điều tra, ngành mía đường đã được “minh oan”.
Người nông dân trồng mía hưởng lợi từ quyết định áp thuế chống bán phá giá của Bộ Công Thương |
Thứ hai, các biện pháp này đã giúp chặn đứng lại sự suy thoái của ngành ngay từ khi bắt đầu công bố điều tra, giúp giá đường đi lên.
Tác dụng thứ ba là giá đường của Việt Nam bắt đầu tiệm cận giá các nước trong khu vực và đến ngày hôm nay thì giá mía mà ngành mía đường Việt Nam đang mua cho nông dân bằng giá mua mía của nông dân Indonesia, Philippines được hưởng.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho biết, kể từ năm 2020 đến vụ 20/21, khi có thông tin về việc khởi xướng phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp đường từ Thái Lan, giá đường đã có dấu hiệu tăng lên. Khi giá đường tăng lên thì công ty sản xuất bắt đầu cũng có những dấu hiệu tích cực, ban hành những chính sách về phát triển vùng nguyên liệu, về phát triển vùng nguyên liệu như tăm, lá mía và những chính sách đầu tư.
“Từ khi có Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá cho đường Thái Lan, chúng tôi xác định đây là thời gian để cho các công ty đường ổn định, duy trì và phục hồi sản xuất. Từ đó thì chúng tôi bắt đầu tiếp tục ban hành những chính sách đầu tư, tiếp tục tăng giá thu mua mía đối với người dân, để người dân yên tâm và lấy lại lòng tin thì tiếp tục ổn định và phục hồi vùng nguyên liệu. Nếu thị trường ổn định nhưng hiện nay, trong vòng 3-4 năm nữa, chắc chắn là các nhà máy đường sẽ ổn định, hồi phục và phát triển” - ông Nguyễn Hồng Minh kỳ vọng.