Ngành ngân hàng tiên phong trong áp dụng các tiêu chuẩn ESG
Ngành ngân hàng bắt nhịp xu hướng phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội thảo: “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 19/11 tại Hà Nội, TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.
TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NH |
Nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, thời gian qua Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ quyền con người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện. Việt Nam đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc năm 2015; Ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016. Tại Hội nghị COP26 (Glasgow 2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050…
Việt Nam cũng là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai các cam kết quốc tế về phát triển bền vững thông qua việc ban hành các khung chính sách: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia... Các quy định này đã tạo điều kiện thúc đẩy các công cụ kinh tế thực hiện tăng trưởng xanh, thúc đẩy ESG như /chu-de/tin-dung-xanh.topic, phát hành trái phiếu xanh, yêu cầu quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Bắt nhịp với xu thế của Việt Nam và thế giới, TS Đào Minh Tú cho rằng, thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn tiên phong đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng như: Ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; phê duyệt Quyết định số 1604/QĐ-HNNN vào năm 2018 về Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam; phê duyệt Quyết định số 1408/QĐ- NHNN về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 01/6/2023 triển khai Luật Bảo vệ môi trường.
“Các giải pháp được triển khai từ rất sớm nêu trên đã cho thấy trách nhiệm của ngành ngân hàng trong thực hành ESG, góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời, có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức và năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng” – TS Đào Minh Tú khẳng định.
Các diễn giả tham dự Hội thảo ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu. Ảnh: NH |
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Với sự định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc thực thi ESG trong ngành ngân hàng đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động. Các tổ chức tín dụng đã chủ động tích hợp yếu tố môi trường và xã hội trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; hoàn thiện mô hình tổ chức; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chuyển đổi số, nâng cao năng lực; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế…
“Kết quả triển khai hoạt động ESG được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng. Đến 30/9/2024, đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định.
Là một trong những ngân hàng tiên phong trong thực thi ESG vào hoạt động, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh – Giám đốc Ban quản lý Dự án quốc tế - Ngân hàng SHB cho rằng: Tại SHB cam kết phát triển bền vững không chỉ bằng khẩu hiệu mà qua từng hành động thực tế. Với tầm nhìn dài hạn, SHB cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện, hỗ trợ khách hàng và cộng đồng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời quản lý hiệu quả các rủi ro về môi trường, xã hội.
Với vai trò là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, SHB luôn hướng nguồn vốn tín dụng tới các ngành nghề, các doanh nghiệp, các dự án phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Hiện nay, tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh của SHB chiếm gần 10%/ tổng dư nợ. Bên cạnh đó, SHB áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn, thông lệ tốt nhất, nhằm đảm bảo tính bền vững trong mọi hoạt động của ngân hàng.
Chia sẻ về sự cần thiết tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng: Việc tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh rất cần thiết thể hiện ở 4 yếu tố, bao gồm: Giúp quản trị danh tiếng của ngân hàng; nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh; nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro; mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới.
Từ những yếu tố trên, Agribank đã cam kết và thực hiện triển khai ESG theo cả 3 trụ cột, môi trường, xã hội và quản trị. Trong đó, liên quan đến trụ cột môi trường, đại diện Agribank cho biết: Nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch, công nghệ cao” với quy mô vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và Agribank.
Cũng đánh giá cao về ESG và phát triển bền vững đối với hoạt động của ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư - Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đưa ra cam kết: Standard Chartered sẽ mở rộng quy mô và phạm vi của chương trình tài chính bền vững, với kế hoạch huy động 300 tỷ USD tài chính bền vững vào cuối thập kỷ này. Ngân hàng Standard Chartered cũng đặt mục tiêu đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và trong các hoạt động của ngân hàng vào năm 2025.
Theo bà Nguyễn Thuý Hạnh: Hành trình hướng tới phát triển bền vững của Standard Chartered bắt đầu cách đây 20 năm với việc thành lập nhóm CSO (Chief Sustainability Officer) - Nhóm Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trước năm 2000. Kể từ đó, Standard Chartered đã phát triển nhóm rộng hơn, gồm các thành viên phụ trách tài chính bền vững, tài chính chuyển đổi, tư vấn, hỗ trợ, tài chính tổng hợp, đa dạng sinh học và phát thải ròng bằng 0, cũng như nhiều khía cạnh khác nhằm đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Chúng tôi cung cấp các chương trình đào tạo ESG cho đội ngũ nhân viên và cam kết công khai ít nhất 70% nhân viên hoàn thành chương trình đào tạo tài chính bền vững. Đây chỉ là một số trong rất nhiều nỗ lực mà chúng tôi thực hiện với tư cách là một ngân hàng để khuyến khích quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế khí thải carbon thấp” – bà Nguyễn Thuý Hạnh thông tin và cho rằng: Standard Chartered đặt mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường về tài chính bền vững tại Việt Nam, và hiện cung cấp hơn 40 loại sản phẩm bền vững đáp ứng các nhu cầu tài chính khác nhau của doanh nghiệp, bao gồm: Tài trợ thương mại; tư vấn ESG; các khoản vay; trái phiếu; phái sinh và giao dịch carbon…