Ngành nhựa: Chưa tự chủ được nguyên liệu đầu vào “Xanh hoá” ngành nhựa để tăng lợi thế cạnh tranh Ngành nhựa và cao su hướng đến sự bền vững và thân thiện với môi trường |
“Cửa sáng” tăng trưởng, nhưng vẫn lo ngại
Trong những năm gần đây, nhựa được xem là một trong những ngành công nghiệp có mức độ tăng trưởng cao nhất, chỉ sau viễn thông và dệt may, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10-12%/năm.
Thiếu nguồn cung nguyên liệu là một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành nhựa (Ảnh minh họa) |
Hiện sản phẩm nhựa Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 160 quốc và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt rất được ưa chuộng ở các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản,… Xuất khẩu sản phẩm nhựa trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ tăng mạnh, đạt trên 3,15 tỷ USD, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù vậy, thời gian qua với khối ngoại thì ngành nhựa Việt Nam lại là “miếng bánh thơm” khi mà quy mô ngành hàng này hồi năm rồi đạt đến 22 tỷ USD. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là hai mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản phẩm của ngành nhựa Việt Nam còn tham gia xuất khẩu với kim ngạch ước đạt trên 5 tỷ USD/năm.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, ngành nhựa có mức tăng trưởng hai con số trong 5 năm qua và còn nhiều tiềm năng phát triển nên các doanh nghiệp sản xuất ngành này của Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm thâu tóm của nhà đầu tư ngoại.
Hiện Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ 70-80% trong nhiều năm qua, máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Ý...
Riêng với các doanh nghiệp bao bì nhựa, thực tế, 5 năm trở lại đây, đã có hơn 10 doanh nghiệp bao bì lớn nhất của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài “thôn tính” và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Theo đánh giá của Hiệp hội In, các doanh nghiệp lĩnh vực in ấn, bao bì nước ngoài đang chuẩn bị đổ bộ Việt Nam. Đây là điều đáng mừng nhưng cũng là tín hiệu đáng lo ngại bởi các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư làm ăn có thể "thôn tính" doanh nghiệp trong nước.
Lý do là nhiều doanh nghiệp Việt không thu hút được nguồn lực lao động, bản lĩnh kinh doanh chưa đủ mạnh để đương đầu với thử thách thị trường khi doanh nghiệp nước ngoài vào. Với tình hình này, nếu doanh nghiệp Việt không nhanh chóng cải thiện chất lượng quản trị sẽ ngày càng đuối sức, phải chịu thua trên sân nhà.
Hiện nay, khoảng 400 doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, chiếm 1/5 tổng số doanh nghiệp in trên cả nước nhưng chiếm đến hơn 1/3 thị phần. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngoại đang chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh ngành nhựa chịu áp lực thâu tóm của khối ngoại, ở một số ngành hàng khác trong thời gian qua do khó khăn về dòng tiền nên đã xảy ra tình trạng một số D doanh nghiệp nội địa bị khối ngoại thâu tóm. Nhất là các doanh nghiệp sản xuất - đối tượng gặp khó khăn lớn về pháp lý, dòng tiền, đơn hàng vẫn đang bị các nhà đầu tư ngoại âm thầm thâu tóm qua giao dịch mua bán sáp nhập.
Củng cố sản xuất để cạnh tranh
Khối ngoại đang tiếp tục tìm cách gia tăng rót vốn mua cổ phần các doanh nghiệp nội địa trong những lĩnh vực được ví như “miếng bánh thơm”. Việc này có thể giúp khối nội có thêm nguồn lực tài chính để cải thiện sản xuất kinh doanh, nhưng song song đó vẫn là mối lo sau khi bán một phần cổ phần thì liệu họ có tránh vào tình huống “bán mình” hay không?
Theo VPA, nhựa là ngành công nghiệp mũi nhọn được đánh giá còn nhiều tiềm năng và nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, để cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tính đến chuyện đầu tư nghiêm túc về công nghệ, đặc biệt là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường…
Một số chuyên gia cũng đưa ra giải pháp, trong hành trình đi tìm lời giải bài toán cạnh tranh cho ngành nhựa gia dụng, vai trò chủ đạo của doanh nghiệp là hết sức quan trọng, bởi DN biết rõ thị trường và khách hàng là ai, nhu cầu như thế nào. Bởi vậy, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam phải thúc đẩy nhanh khâu cải tiến, đầu tư công nghệ mới, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Chủ tịch VPA Hồ Đức Lam cũng chỉ ra các yếu tố hỗ trợ ngành nhựa: Thứ nhất, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.
Thứ hai, xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường. Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ hướng tới chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu và phát triển. Ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Thứ tư, cạnh tranh khốc liệt. Do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm tiêu thụ điện năng và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ năm, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm ngành nhựa để bảo vệ nhà sản xuất Việt Nam và người tiêu dùng.
Theo VPA, với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như tại Việt Nam, Chính phủ đang xây dựng ngành công nghiệp tái chế nhựa trong nước để tạo nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh. Điều đó sẽ góp phần gia tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai. |