Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020. Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư công để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Nỗ lực giải ngân đầu tư công thúc đẩy thị trường thép phát triển |
Dịch bệnh dần được kiểm soát, sản xuất phục hồi, cộng với nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đã và đang kéo nhu cầu thép tăng cao. Thống kê của VSA cho thấy, trong tháng 7, sản xuất thép các loại đạt hơn 2.106.562 tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ năm 2019. Bán hàng thép các loại đạt 1.955.784 tấn, tăng 11,25% so với tháng 6/2020. Trong đó, xuất khẩu (XK) thép các loại đạt 424.734 tấn, tăng 41,37% so với tháng trước, và tăng 16,2% so với cùng kỳ tháng 7/2019.
Nhìn chung, sau khi giảm sâu trong nửa đầu năm, sản xuất thép đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, mức tiêu thụ thép gia tăng là do nhu cầu dồn nén từ quý I cũng như sức tiêu thụ ổn định trong kênh xây dựng dân dụng.
Xác định yêu cầu và đòi hỏi của thị trường trong bối cảnh mới, hiện nay nhiều DN ngành thép đã đẩy mạnh cải tiến, đầu tư công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, Công ty CP Ống thép Việt Đức (VG PIPE) đã đầu tư dây chuyền sản xuất ống thép, tôn cán nguội, tôn mạ kẽm hiện đại. Cho đến nay, thép Việt Đức đã mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ tiên tiến của các nước châu Âu và Nhật Bản với tỷ lệ tự động hóa cao cho 38 dây chuyền sản xuất thép, dây chuyền xả băng. Các sản phẩm của Thép Việt Đức sản xuất ra đều theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN); Tiêu chuẩn Nhật Bản (JISG 3112); Tiêu chuẩn Mỹ (ASTM) và tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như sẵn sàng đáp ứng cho quá trình hội nhập.
Nhờ đó, VG PIPE đã khẳng định vị trí top 4 DN sản xuất và tiêu thụ ống thép trong nước lớn nhất tại Việt Nam, tỷ trọng XK sang thị trường châu Âu trên 50%.
Hoặc Tập đoàn Hòa Phát cũng đã tiên phong trong đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay các nhà máy sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát đều được kiểm soát theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất thép theo công nghệ lò cao khép kín đều được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra lại tiếp tục trải qua quá trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt một lần nữa trước khi đưa ra thị trường.
Những tín hiệu đáng mừng
Cũng theo Công ty Chứng khoán SSI, thị trường thép trong các tháng tới sẽ theo chiều hướng tích cực. Lý do, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ chi ra trong năm 2020, trong đó có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: Cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Một tín hiệu đáng mừng kể từ tháng 7/2020, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã cải thiện hơn.
Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, nửa cuối năm 2020, mức tiêu thụ thép của nước này ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2019, và tăng 2% cho cả năm 2020. Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam XK sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thép XK của Việt Nam. 7 tháng đầu năm, Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất của thép Việt Nam với 1,46 triệu tấn, tương đương 585,39 triệu USD, giá trung bình 401,4 USD/tấn, tăng mạnh 1.833% về lượng, tăng 1.410% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội lớn trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, chi phí nhân công vẫn còn rẻ. Do đó, khi các DN FDI vào Việt Nam thì nhu cầu đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo. Đây sẽ là cơ hội để ngành thép đẩy mạnh tiêu thụ sau một thời gian khó khăn do nhu cầu sụt giảm.
Trong năm 2021, SSI ước tính nhu cầu về thép sẽ tăng khoảng khoảng 3%-5% so với mức cơ sở trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam. |