Ngày 10/12, IPO cổ phiếu Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) tại HOSE
Lãnh đạo ACV trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư tại TP.HCM |
Sáng nay (23/11), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) tiếp tục tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ACV cho các nhà đầu tư phía Nam với sự tham dự của trên 350 tổ chức và cá nhân.
Theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP có vốn điều lệ: 22.430.985.040.000 đồng (hai mươi hai nghìn, bốn trăm ba mươi tỷ, chín trăm tám mươi lăm triệu, không trăm bốn mươi nghìn đồng).
Tổng số cổ phần: 2.243.098.504 cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: Cổ phần Nhà nước nắm giữ: 1.682.323.878 cổ phần (tương đương75% vốn điều lệ); Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP: 9.220.000 cổ phần (tương đương 0,41% vốn điều lệ); Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP: 22.127.800 cổ phần (tương đương 0,99% vốn điều lệ); Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp: 3.003.003 cổ phần (tương đương 0,13% vốn điều lệ); Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược: 448.619.701 cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ); Cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường: 77.804.122 cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ).
Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng của ACV thực hiện theo phương thức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vào ngày 10/12/2015. Số lượng cổ phần bán đấu giá: 77.804.122 cổ phần (tương ứng 3,47% vốn điều lệ) với giá khởi điểm: 11.800 đồng/01 cổ phần.
Tại hội thảo, hàng loạt câu hỏi từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã được đặt ra xoay quanh nhiều vấn đề như lợi nhuận; dự báo doanh thu năm 2015 và những năm sau; chiến lược phát triển của ACV sau khi IPO; tại sao chỉ một số cảng hàng không quốc tế (HKQT) lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất có lãi còn các cảng khác như Phú Quốc, Đà Nẵng... vẫn lỗ v.v;
Từng vấn đề đặt ra của các nhà đầu tư đều đã được lãnh đạo Bộ Giao Thông vận tải, lãnh đạo ACV làm rõ.
Như nói về hiệu quả hoạt động của các cảng HKQT chính mà ACV quản lý hiện nay, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch ACV - cho biết cụ thể: Năm 2014, trong 5 cảng HKQT lớn thì 3 cảng có lãi tốt là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Cam Ranh còn Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn lỗ do phải khấu hao chi phí đầu tư. Sang năm 2015, Nội Bài vẫn có lãi nhưng sẽ bị giảm xuống do khấu hao khoản đầu tư cho nhà ga T2 đã đi vào họat động. Phú Quốc và Đà Nẵng đã giảm lỗ, Cam Ranh vẫn còn lãi nhưng những năm sau đầu tư tiếp sẽ lỗ do phải khấu hao.... Tuy nhiên, tổng doanh thu ACV vẫn có lãi do hạch toán tập trung.
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, trong quá trình lập dự án khả thi sân bay Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải và ACV đã chọn phương án khai thác đồng hành giữa 2 cảng Tân Sơn Nhất và Long Thành khi giai đoạn I của sân bay này đi vào hoạt động. Cụ thể Long Thành chủ trương phục vụ khai thác 80% khách quốc tế, 20% là nội địa và Tân Sơn Nhất cũng tương tự.