Ngày này năm xưa 13/9: Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân, Chiến lược phát triển công nghiệp xe máy Việt NamNgày này năm xưa 14/9: Ban hành quy định về đăng ký kinh doanh |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/9.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương- Ngày 15/9/1941, Trung đội Cứu quốc quân II - một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Quang cảnh thời điểm đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II (Nguồn ảnh: Anh Tuấn - Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) |
- Ngày 15/9/1945, Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam.
- Ngày 15/9/1973, Chủ tịch Cuba Fidel Castro trở thành vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong chuyến thăm lịch sử này, Fidel đã trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu mến, sự ủng hộ hoàn toàn, triệt để, mạnh mẽ nhất đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Fidel đã đến thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị và nhiều đơn vị anh hùng của các lực lượng vũ trang giải phóng. Chính tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã để lại câu nói bất hủ: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Chủ tịch Fidel Castro và sự hiện diện của nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Cuba anh em, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đặt chân tới tuyến lửa ở vùng đất vừa mới được giải phóng ở miền Nam Việt Nam đã trở thành nguồn động viên và cổ vũ lớn lao đối với quân và dân ta, nhất là nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; trở thành biểu tượng của tình đoàn kết anh em thủy chung, gắn bó Việt Nam - Cuba.
- Ngày 15/9/1976, Việt Nam trở thành hội viên chính của tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (viết tắt là IMF).
- Ngày 15/9/1984, Ngày truyền thống Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, Quân chủng Hải quân.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Nhiệt điện Cẩm Phả cùng các đơn vị nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa chữa tổ máy số 2 (ảnh Thành Công, Báo Quảng Ninh) |
- Ngày 15/9/1998, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 57/1998/QĐ-BCN về việc sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 13, Chương IV Điều lệ tổ chức – hoạt động của Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản.
- Ngày 15/9/1999, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 63/1999/QĐ-BCN về việc tiếp nhận và chuyển giao Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Kon Tum vào làm thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty Dệt – May Việt Nam.
- Ngày 15/9/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 91/2004/QĐ-BCN Quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng cấp cứu mỏ chuyên trách.
- Ngày 15/9/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 92/2004/QĐ-BCN về việc chuyển Trường Đào tạo nghề mỏ và xây dựng trực thuộc Công ty Than Nội địa về trực thuộc Tổng công ty Than Việt Nam.
- Ngày 15/9/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010.
- Ngày 15/9/2011, Bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2.
Theo đó, tại thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công trình điện quốc tế Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đã bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 cho Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 được Chính phủ phê duyệt và quyết định đầu tư vào ngày 29/01/2003. Đây là hai nhà máy điện đốt than, sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn với tổng công suất lên tới trên 600 MW. Tổng mức đầu tư của hai nhà máy là 10.635 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 đã phát được hơn 4 tỷ kWh điện, đạt bình quân hơn 90% công suất thiết kế.
- Ngày 15/9/2014, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BCT quy định quy trình xử lý sự cố trong hệ thống điện quốc gia.
Ngày 15/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
Quyết định gồm 3 chương, 13 điều, quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý.
Trường hợp công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn vay mà cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản chưa hoàn thành việc trả nợ vốn vay, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục quản lý công trình điện và có trách nhiệm hoàn thành việc trả nợ; sau khi hoàn thành việc trả nợ vốn vay, cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định việc điều chuyển tài sản sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý theo quy định.
Việc bàn giao tài sản là các công trình điện lực hoặc hạng mục công trình điện lực đã hoàn thành thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 được thực hiện theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Đối tượng áp dụng Quyết định là: 1) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện bàn giao (gồm: cơ quan nhà nước; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước; doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư hoặc quản lý công trình điện mà giá trị công trình (không được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp); 2) Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 3) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
- Ngày 15/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế các tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và tháng 10/2020 đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Cụ thể: Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 7/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 8/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 9/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020; thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 15/9/2008, Ngân hàng Lehman Brothers - ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ tuyên bố phá sản với khoản nợ hơn 600 tỷ USD, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu.
- Ngày 15/9/2013, núi lửa Sinabung thuộc tỉnh Bắc Sumatra, miền Tây Indonesia đã phun trào sau 3 năm “ngủ yên”. Tro bụi phun vào bầu khí quyển đã làm hơn 5.500 người dân 6 làng ở các vùng lân cận trong vòng bán kính 3 km phải di dời chỗ ở.
Theo dấu chân Người
- Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - tiền thân của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ngày nay; có nhiệm vụ thu thập, mua sắm và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc, tỉnh Cao Bằng (15/9/1958). Ảnh: Hochiminh.vn |
- Ngày 15/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nơi ở và làm việc của cán bộ cao cấp Bộ Tổng Tham mưu đóng tại Đại Từ, Thái Nguyên. Người trao đổi với các cán bộ cao cấp một số công việc phải làm trước khi về tiếp quản Thủ đô và nhiệm vụ của quân đội khi vào tiếp quản Thủ đô.
- Ngày 15/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Vừa đến nơi, Người đã gặp và nói chuyện với Ban giám đốc mỏ, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và các chuyên gia Liên Xô làm việc tại mỏ, nghe báo cáo về tình hình sinh hoạt, học tập, sản xuất của cán bộ và công nhân.
(Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2007)