Ngày này năm xưa 18/4: Việt Nam và Oman ký Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần Ngày này năm xưa 19/4: Ban hành Quy định về xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico |
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 20/4.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 20/4: Ngày thương hiệu Việt Nam: Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm mục đích quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm, qua đó góp phần phát triển ngoại thương, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Ba tiêu chí cốt lõi của Chương trình là : Chất lượng- Đổi mới, sáng tạo- năng lực tiên phong.
Từ năm 2008, Thủ tướng đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam |
Với ý nghĩa đó, theo đề xuất của Bộ Công Thương, từ năm 2008, Thủ tướng đã chọn Ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời nhằm khơi dậy khát vọng của các cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và thương hiệu quốc gia nói chung vì một Việt Nam hùng cường.
Ngày 20/4/1995, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Luật số 39-L/CTN, Luật Doanh nghiệp Nhà nước. Luật được ban hành nhằm phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả và thực hiện đúng các mục tiêu do Nhà nước giao cho doanh nghiệp.
Ngày 20/4/1972, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi một máy bay F4. Đây là chiếc máy bay Mỹ thứ 3.500 bị bắn rơi trên miền Bắc nước ta. Trong hai lần chống chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi tất cả 700 máy bay Mỹ, trong đó có 3 chiếc B52 và 1 chiếc F111, là tỉnh đứng đầu bảng vàng lập công của miền Bắc; ngoài ra còn 79 lần bắn chìm, bắn cháy, bắn bị thương tàu chiến và tàu biệt kích của địch.
Ngày 20/4/1976, Báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu được in tại thành phố Hồ Chí Minh để kịp phát hành kịp thời và rộng rãi ở miền Nam trong thời gian cùng ngày.
Ngày mất của Thượng tướng Trần Văn Trà. Ông tên thật là Nguyễn Chấn, sinh năm 1919 tại làng Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, từ trần ngày 20/4/1996 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thượng tướng Trần Văn Trà là một nhà lãnh đạo, một vị tướng có tư duy chính trị quân sự sắc sảo ở tầm chiến lược. Ông cũng là người luôn gắn bó, sâu sát với thực tiễn chiến trường, đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang trong chiến tranh nhân dân ở miền Nam, trong lãnh đạo và chỉ đạo tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung cũng như các lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói riêng. Do có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Thượng tướng Trần Văn Trà được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Sự kiện quốc tế
Ngày 20-4-1989, Các nhà khoa học công bố thử nghiệm thành công truyền hình độ nét cao.
Ngày 20-4-1992, Hội chợ Triển lãm thế giới Expo 92 khai mạc tại Sevilla, Tây Ban Nha.
Ngày 20/4/1972, Tàu Apollo 16 đến Mặt Trăng.
Ngày 20/4/2010, Giàn khoan bán tiềm thủy Deepwater Horizon phát nổ ở Vịnh Mexico, làm chết 12 công nhân và bắt đầu một vụ tràn dầu kéo dài sáu tháng
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 20-4-1948, trong thư gửi Hội nghị Tổng bộ Việt Minh, người sáng lập ra tổ chức chính trị này đã phân tích những nguyên nhân thành công là: “Đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, cướp được chính quyền, Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ”. Bức thư cũng đề cập những khuyết điểm do phát triển quá nhanh mà không kịp quan tâm huấn luyện cán bộ dẫn đến việc một số cán bộ thoái hoá làm sai chính sách.
Ngày 20-4-1949, báo “Cứu Quốc” đăng nội dung trả lời phỏng vấn báo “La Tribune” (Diễn đàn). Giải thích câu hỏi “Thi đua ái quốc là gì”, Hồ Chủ tịch trả lời: “Đặc điểm của Thi đua ái quốc là: Đưa tất cả tinh thần và lực lượng của quân và dân Việt Nam để thực hiện ba mục đích: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người cũng bày tỏ “chúng tôi hoan nghênh những đại biểu báo ngoại quốc mà ngôn luận công bằng” đến vùng tự do. Trả lời câu hỏi về thái độ với nước Pháp khi Việt Nam hoàn toàn độc lập, Hồ Chủ tịch xác nhận: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn”.
Ngày 20/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm xí nghiệp X40 (nay là Công ty may mặc 40). Sau khi đi xem nơi sản xuất, Bác đã nói chuyện với công nhân, cán bộ ở đây Bác khen xí nghiệp đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm về công tác phát triển Đảng, căn dặn mọi người thi đua sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ các mặt hàng phục vụ quân đội, lãnh đạo xí nghiệp phải chăm lo đời sống của công nhân viên chức.
Ngày 20-4-1963, Bác Hồ về thăm bệnh xá Vân Đình, huyện Ứng Hoà (khi đó thuộc tỉnh Hà Đông) và căn dặn: Trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thuốc hay, thức ăn ngon, còn cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt. Cần đặc biệt chú ý việc phòng bệnh.