Ngày này năm xưa 4/1: Tổ chức Thương mại Thế giới chấp thuận đơn xin gia nhập của Việt Nam Ngày này năm xưa 5/1: Ban hành quy chế quản lý Hội, Hiệp hội ngành công nghiệp |
Chuyên mục "Ngày này năm xưa” trên Vuasanca tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các sự kiện quốc tế ngày 8/1.
* Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 8/1/1930, công nhân nhà máy Xi măng Hải Phòng đã tổ chức cuộc đình công lớn đòi tăng lương, giảm giờ làm, trả lương đúng kỳ, chống đánh đập và ủng hộ các cuộc đấu tranh của công nhân ở các địa phương khác chống ách thống trị của thực dân. Cuộc đình công đã giành được những thắng lợi quan trọng, đồng thời biểu dương sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường của công nhân và quần chúng lao động. Từ đó, ngày này trở thành Ngày truyền thống của công nhân xi măng Việt Nam. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 8/1 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành Xi măng Việt Nam.
Từ ngày 8/1/1950 đến cuối tháng 3/1950, mở chiến dịch Lê Hồng Phong đánh Pháp ở Tây Bắc. Trong toàn chiến dịch, ta diệt 5 vị trí địch, bức rút 3 vị trí dọc tả ngạn sông Thao, diệt 500 tên địch, làm bị thương hơn 200 tên, bắt sống gần 100 tên, quét sạch phòng tuyến sông Thao của Pháp, giải phóng một vùng rộng hàng trǎm kilômét vuông cùng hàng vạn đồng bào.
Từ ngày 8/1/1966 đến ngày 5/2/1966: Quân và dân Củ Chi (tỉnh Gia Định cũ) đã giành thắng lợi to lớn trong việc chống địch càn quét của 8 nghìn quân Mỹ, Úc và Tân Tây Lan, tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của chúng mà còn làm thất bại âm mưu của Mỹ nhằm đẩy lùi vòng bao vây của ta đang ngày càng thắt chặt xung quanh Sài Gòn.
Ngày 8/1/1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về chế độ lãnh đạo, quản lý xí nghiệp quốc doanh.
Ngày 8/1/1963, Khánh thành Nhà máy Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông.
Ngày 28/4/1964 Bác Hồ về thăm nhà máy Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (Ảnh: Tư liệu) |
Ngày 8/1/1985, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 04-HĐBT xóa bỏ nghĩa vụ bán thịt lợn cho Nhà nước
Ngày 8/1/2002, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh trong giai đoạn cách mạng mới”. Nghị quyết xác định: Công tác cựu chiến binh là một trong những công tác vận động quần chúng quan trọng của Đảng, là trách nhiệm của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của toàn xã hội.
Ngày 8/1/2010, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 01/2010/TT-BCT về việc Thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)
Ngày 8/1/2011, Kho nổi PTSC Bạch Hổ xuất bán chuyến dầu đầu tiên: Sau 60 ngày kể từ khi đón nhận dòng dầu đầu tiên, ngày 08/01, kho nổi chứa, xuất dầu thô (FSO) của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã hoàn thành việc xuất bán chuyến dầu đầu tiên, khối lượng hơn 31.855 tấn, tại Lô 09-1 Mỏ Bạch Hổ. Sự kiện diễn ra với sự chứng kiến và giám sát của đại diện khách hàng là Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (VSP), đại diện cơ quan giám định độc lập (EIC) và các nhà thầu phụ. “PTSC - Bạch Hổ” được PTSC đầu tư đóng mới để phục vụ hoạt động khai thác của khách hàng Vietsovpetro.
Kho nổi chứa, xuất dầu thô (FSO) của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Ảnh: PTSC) |
Với trang thiết bị hiện đại, có nhiều tính năng vượt trội phục vụ cho việc khai thác dầu khí ngoài khơi, được đánh giá là kho nổi chứa dầu lớn nhất được đóng tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là kho nổi thứ 5 do PTSC sở hữu và đồng sở hữu. Cũng tại sự kiện này, PTSC và đại diện Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VINASHIN đã ký biên bản nghiệm thu các hệ thống trên tàu, làm cơ sở để hai bên ký biên bản bàn giao FSO PTSC Bạch Hổ.
Ngày 8/1/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 202/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu chung của Quyết định số 202/QĐ-BCT là xây dựng ngành kỹ nghệ thực phẩm phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu và tăng giá trị tăng thêm của ngành. Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,21%, giai đoạn 2016 - 2020 là 14,87% và giai đoạn 2021 - 2025 là 12,44%. Phấn đấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành kỹ nghệ thực phẩm năm 2015 chiếm khoảng 1,67%, đến năm 2020 chiếm khoảng 1,85% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu các nhóm sản phẩm kỹ nghệ thực phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo và nhóm sản phẩm ăn liền, giảm dần tỷ trọng nhóm sản phẩm bột ngọt. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo khoảng 40,43%, nhóm sản phẩm ăn liền khoảng 34,74% và bột ngọt khoảng 24,83%. Kim ngạch xuất khẩu ngành Kỹ nghệ thực phẩm giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng đạt 19,05% giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20,09% năm và giai đoạn 2021 - 2030 là 16,86%/năm.
Ngày 8/1/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 53/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Ngày 08/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
* Sự kiện quốc tế
Ngày 8/1/1996, Máy bay chở hàng Antonov An-32 lao vào một khu chợ đông người tại Kinshasa, Zaire, khiến 237 người trên mặt đất tử nạn.
Ngày 8/1/2003, chuyến bay số 634 của Turkish Airlines cất cánh từ sân bay Ataturk Istanbul đến sân bay Diyarbakır ở Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay gặp tai nạn ngay trước khi tiếp đất, khiến 75 hành khách thiệt mạng và 5 hành khách bị thương nặng. Nguyên nhân được cho là điều kiện sương mù dày đặc ảnh hưởng đến khả năng điều khiển của phi công.
Ngày 8/1/1963, Kiệt tác Mona Lisa của Leonardo da Vinci lần đầu được trưng bày tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, D.C, Mỹ.
Ngày 8/1/1959, Charles de Gaulle trở thành Tổng thống đầu tiên của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp.
* Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 8/1/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng một số trí thức Việt Nam đang ở Pari tham dự một cuộc thảo luận tại Hội Địa dư Pháp về quyền tự quyết của người Triều Tiên, cũng nhằm tranh thủ nêu vấn đề về quyền tự quyết của người Đông Dương.
Ngày 8/1/1946, chỉ hai ngày sau cuộc Tổng tuyển cử, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đi thăm Trại giam Hoả Lò ở Hà Nội. Báo chí mô tả người đứng đầu Nhà nước đã thăm khu nhà giam, nhà tắm, lớp học, buồng làm việc, trạm xá, nhà bếp và lắng nghe các phạm nhân phân trần, rồi Người khuyên họ “gắng sửa tội lỗi để xứng đáng là công dân của một nước độc lập”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc Giám đốc trại giam xem xét lại các án tù và xin cơ quan thẩm quyền tha bớt những người nhẹ tội.
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Sở Cảnh sát Trung ương đóng ở phố Hàng Trống và căn dặn: Ngoài việc giữ trật tự còn phải tuyên truyền, phải đoàn kết và hợp tác với tự vệ và nhân dân thành phố. Đến Bộ Tuyên truyền, Chủ tịch nhắc nhở phải giữ thái độ khoan dung với kiều dân Pháp và trong việc tuyên truyền phải tôn trọng sự thật, có vậy mới có nhiều người nghe.
Ngày 8/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn dành cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền tin chiến tranh quá sai lạc sự thực”.
Ngày 8/1/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm Xưởng May 10 (lúc đó thuộc Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần) ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bác cǎn dặn công nhân, cán bộ phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, cải tiến kỹ thuật và quản lý tốt xí nghiệp.