Nghệ An: Tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thoát nghèo Nghệ An: Chuỗi giá trị thổ cẩm, hướng thoát nghèo cho phụ nữ dân tộc miền núi |
Dấu ấn từ các chương trình, chính sách
Những năm qua, chính sách dân tộc tại tỉnh Nghệ An đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho sản xuất và dân sinh, nhờ vậy, diện mạo các bản, làng có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Trong giai đoạn 2021 - 2025, có 3 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đồng loạt, sẽ là động lực lớn, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bộ mặt nông thôn miền núi ở Nghệ An có nhiều khởi sắc. |
Theo lãnh đạo ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, để nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc đến tận mỗi người dân, thì vai trò tuyên truyền, vận động của Người có uy tín đến với cộng đồng là rất quan trọng. Chính vì vậy, chính sách đối với Người có uy tín ở Nghệ An luôn được địa phương quan tâm triển khai kịp thời.
Trong năm 2022, Nghệ An đã chi 6,1 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động: Đưa 40 Người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm các tỉnh phía Bắc; tập huấn và đi thực tế mô hình cho 312 Người có uy tín; thăm và tặng quà tết Nguyên Đán cho Người có uy tín; tổ chức khen thưởng, biểu dương Người có uy tín...
Cùng với đó là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã là một trong những kênh chính thức để nâng cao nhận thức cho mỗi người dân. Minh chứng như, Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại 7 huyện miền núi, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới, thúc đẩy công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ngày tiến bộ, bình đẳng, giảm tỷ lệ định kiến về giới.
Trong năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh THCS, THPT, Người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, các đoàn thể hội, phụ huynh, Bộ đội Biên phòng... thu hút 3.000 người tham gia.
Một trong những cách để “níu” học trò, động viên cán bộ, giáo viên an tâm công tác ở vùng khó, các chính sách, chế độ cho đối tượng thụ hưởng được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. |
Nằm trong mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc, UBND tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 120 già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng; bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn cho các nghệ nhân dân tộc Thái. Đặc biệt, đã cấp kinh phí hỗ trợ bảo tồn không gian văn hóa truyền thống tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn và xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn; tổ chức 55 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên cơ sở các chính sách của Trung ương, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ các trường phổ thông có học sinh dân tộc nội trú, dân tộc bán trú trên địa bàn; Đề án phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030…
Một trong những cách để “níu” học trò, động viên cán bộ, giáo viên an tâm công tác ở vùng khó, các chính sách, chế độ cho đối tượng thụ hưởng được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ chiếm 18,7%, đi học mẫu giáo chiếm 90,50; tỷ lệ học sinh đi học tiểu học chiếm 98,95% và THCS chiếm 94,35%...
Ông Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An khẳng định: Kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trong năm qua, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của Nhân dân về sản xuất, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe...
Các chính sách được thực hiện đầy đủ, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội
Đến nay, tỷ lệ xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An có điện lưới quốc gia đạt 100%, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%, tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền Tây giảm từ 24,04% đầu năm 2016, xuống còn gần 8,18% cuối năm 2021.
Chính sách dân tộc tại tỉnh Nghệ An đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Nghệ An cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước từ năm 2021, đã thực hiện đồng loạt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là: Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đáng chú ý, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 được thực hiện trên địa bàn 131 xã, 588 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh, với 10 dự án (12 tiểu dự án), sẽ là “đòn bẩy” quan trọng trong thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Theo tỉnh Nghệ An, việc thực hiện 3 chương trình không tách rời mục tiêu tập trung phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bởi, nhiệm vụ lớn ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà Đảng bộ tỉnh Nghệ An xác định vẫn là: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1 - 1,5%, trong đó vùng miền núi từ 2 - 3%. Kéo gần khoảng cách vùng miền, giữ vững ổn định an ninh trật tự, an toàn vùng biên giới.
Trong năm 2022, tổng số vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện 3 Chương trình gần 795 tỷ đồng. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành chức năng tham mưu bố trí vốn đối ứng theo quy định, trong đó ưu tiên bố trí vốn đối ứng với các chính sách liên quan trực tiếp đến chế độ của người dân.
Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An cho hay: Việc triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia, với các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn mới, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa… giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Đến nay, thách thức lớn của Nghệ An vẫn còn 76 xã và 38 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An còn 2,74%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,09%, cao hơn mức bình quân cả nước. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Hộ nghèo, hộ cận nghèo tập trung nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Đó là những vấn đề mà chắc chắn tỉnh Nghệ An đã tính đến và xem là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu cần khắc phục, cần quan tâm đặc biệt. Có như vậy, mục tiêu, nhiệm vụ chung về phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt hiệu quả thiết thực.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích; dân số trên 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số gần 500.000 người, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 40% dân số trên địa bàn miền núi. |