Quảng Ninh: Lan toả hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến người tiêu dùng Hà Nội Quảng Ninh: Dư địa lớn cho dòng vốn đầu tư mới |
Tăng tốc chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu đặt ra là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành trong hệ thống chính trị của tỉnh, tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế - xã hội, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP và xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn, phù hợp quy luật, yêu cầu phát triển trong thời đại 4.0, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghị quyết số 09-NQ/TU xác định 20 mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và 40 nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, đã có 16/20 mục tiêu hoàn thành, đạt 80%; 4/20 mục tiêu đang trong lộ trình triển khai thực hiện đến hết năm 2025, chiếm 20%.
Người dân sử dụng thiết bị di động thực hiện các dịch vụ công tại Trung tâm hành chính công TP. Hạ Long. Ảnh: Song Hà |
Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã nằm trong nhóm top đầu về chuyển đổi số toàn quốc, đứng vị trí thứ 3/63 tỉnh/thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3/63 về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) năm 2022; đứng thứ 1 toàn quốc về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2023, kết quả công bố cải cách hành chính các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh đứng vị trí thứ 2 về chỉ số thành phần Chính quyền số. Tại Hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số, Quảng Ninh được ghi nhận và biểu dương là địa phương điển hình trong nhóm top đầu về hạ tầng số…
Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số.
Ngoài ra, 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xác thực định danh điện tử; hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 177/177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động là 100%.
Tính đến cuối tháng 8/2024, các nhà mạng đã cung cấp miễn phí gần 18.200 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh hoàn thành việc tích hợp chữ ký số, sim ký số của Viettel và dịch vụ ký số công cộng VNPT-CA trên Cổng dịch vụ công để cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử.
Đồng thời tích hợp thành công chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại tất cả các bước theo quy trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính lên hệ thống phần mềm một cửa điện tử để phục vụ ký số hồ sơ điện tử trong quá trình liên thông, giải quyết thủ tục hành chính, luân chuyển hồ sơ điện tử.
Phấn đấu trở thành hình mẫu của cả nước
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 đứng trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Theo ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu các cấp, nâng cao ý thức, nhận thức của cán bộ, công chức viên chức và người dân về chuyển đổi số, những tiện ích chuyển đổi số đem lại cho đời sống kinh tế - xã hội.
"Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của chuyển đổi số theo Nghị quyết số 09, tuyệt đối không được có tâm lý e ngại, đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm, sợ trách nhiệm. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có các vấn đề vướng mắc, các sở, ngành, địa phương báo cáo lại UBND tỉnh để tìm phương án tháo gỡ, giải quyết", ông Huy nhấn mạnh.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh |
Hiện, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đột phá để duy trì và phát triển chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh trong năm 2024. Trước mắt, địa phương tập trung khai thác có hiệu quả hạ tầng số, trong đó tập trung vào xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm hạ tầng số để phát triển xã hội số và kinh tế số.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng thúc đẩy nhanh hơn nữa việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu của các bộ, ngành, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành dữ liệu số, dữ liệu mở để giải quyết các bài toán phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Đồng thời, tập trung triển khai chuyển đổi số đối với 8 lĩnh vực cốt lõi, ưu tiên, gồm: Y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số, lĩnh vực nông nghiệp…
UBND tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp, người dân hoàn thành việc chuyển đổi số một cách đồng bộ, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Chuyển đổi số là cơ hội lớn để mọi người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với công nghệ cao, tạo ra thế và lực mới, nâng cao hơn nữa đóng góp của vào sự phát triển chung của Quảng Ninh.