Nghệ An: Xây dựng thương hiệu cho giống lúa quý tẻ thơm
Giá trị gấp 2 lần lúa thường
Bà Pịt Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi huyện Kỳ Sơn - cho biết: Đồng bào dân tộc Thái nơi đây quen gọi giống lúa tẻ thơm này là “khẩu cháo hom”. Giống lúa này do ông Vi Duyên Hồng mang về từ nhà bà con ở bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (giáp huyện Kỳ Sơn) và được người dân gieo trồng, gìn giữ cho đến ngày nay” - bà Hà chia sẻ.
Từ tháng 11 người dân xã Na Loi bắt đầu thu hoạch lúa tẻ thơm |
Tẻ thơm là một giống lúa quý. Vì đã qua một quá trình dài tương thích với khí hậu, thổ nhưỡng vùng Na Loi nên giống lúa tẻ thơm có sức đề kháng rất tốt. Cây hầu như ít bị sâu bệnh, được bà con người Thái, Khơ Mú canh tác ở vùng núi cao. Vùng trồng có độ cao trung bình trên 600m so với mực nước biển, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, ngày nắng ít, đêm nhiều sương mù. Nguồn nước tưới chính được lấy từ các khe núi đá. “Nếu đem bón phân hóa học, lúa tẻ thơm sẽ chỉ tốt cây, dễ đổ ngã và ít chịu đậu bông” - bà Pịt Thị Hà chia sẻ thêm.
Theo bà Hà, “Cũng một giống lúa tẻ thơm này nhưng trồng bên suối Nậm Tắm, được tưới nước suối này thì mùi thơm của hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm tăng gấp bội so trồng trên ruộng bậc thang, không được tưới nước suối Nậm Tắm. Bởi vậy, lúa tẻ thơm ở Na Loi thơm ngon tốt tươi hơn, thân cao lút đầu người...".
Lúa tẻ thơm chỉ trồng mỗi năm một vụ. Người Na Loi gieo mạ vào tháng 6, sau 1 - 1,5 tháng tuổi thì cấy. Cây lúa tẻ thơm sinh trưởng, phát triển nhờ vào nước trời và dưỡng chất tích tụ trong đất, đến tháng 11 thì bắt đầu thu hoạch. Diện tích ít, lúa tẻ thơm lại “khó tính” do cây cao, dễ gãy đổ khi giông lốc và năng suất khá thấp (1 tấn/ha) nên người dân Na Loi chưa mặn mà với giống lúa này.
Niềm vui của chị Kha Thị Vân bên ruộng lúa tẻ thơm của gia đình |
Bà Pịt Thị Hà hào hứng: “Vì mùi thơm đặc trưng, dẻo và ngon của gạo tẻ thơm, nên địa phương đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho giống lúa. Để gìn giữ và nâng cao giá trị sản phẩm, chính quyền xã Na Loi đã đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng và tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho bà con dân bản hướng đến sản xuất theo hướng đặc sản".
Lý giải về những khó khăn, Chủ tịch xã Na Loi nói, cái khó ở đây là giống lúa ít được bà con ưa trồng, vì tuy thơm ngon nhưng năng suất thấp hơn giống lúa truyền thống. Với giống lúa truyền thống, dân bản chỉ cần trồng một vụ nhưng ăn được cả năm. Giống lúa tẻ thơm chăm sóc tốt cũng chỉ đạt mức 1tấn/ha. Hiện tại, lúa tẻ thơm trên địa bàn xã Na Loi đang hoàn thành hồ sơ gắn sao sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm tới. Thêm một nguyên nhân khiến quá trình mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa tẻ thơm tại xã Na Loi gặp khó, là do nguồn giống đã có sự thoái hóa trong quá trình canh tác nhiều năm, cùng với việc người dân chưa chú trọng đầu tư, chăm sóc, duy trì bảo tồn giống làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hướng về sản phẩm đặc trưng
Toàn xã Na Loi hiện có trên 91ha đất lúa, nhưng chỉ có 2/5 bản của xã Na Loi trồng lúa tẻ thơm với diện tích khoảng 25 - 30ha. Điểm nổi trội của giống lúa này là có hàm lượng dinh dưỡng cao, dẻo, khi nấu có mùi thơm đặc trưng, vị đậm ngon.
Bà Lương Thị Mằn, bản Na Khứa, xã Na Loi vui vẻ cho biết: “Làm tẻ thơm bây giờ sướng lắm, mình chỉ lo khâu sản xuất là chính, còn thu hoạch đã có máy móc làm. Đặc biệt, vụ thu hoạch nào thương lái cũng đến sẵn chân ruộng để chờ mua, thậm chí họ lội xuống ruộng đổ lúa vào bao rồi buộc lại đưa đi cân, mình chỉ đi theo kiểm tra cân được bao nhiêu ký rồi tính tiền thôi…”. Bà Mằn nói thêm, lúa tẻ thơm hiện có giá khoảng 18.000 đồng/kg, dao động khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg gạo. Dịp Tết Nguyên đán, bà con ai cũng muốn mua gạo tẻ thơm về làm quà nên không đủ hàng cung cấp, thậm chí nếu không chuẩn bị trước mà để sát Tết mới mua thì chúng tôi cũng không có…
Nhận thấy giá trị của giống lúa này, từ năm 2018 xã Na Loi đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ giúp bà con phương pháp xây dựng lúa tẻ thơm thành một sản phẩm đặc trưng. “Việc cải tạo, khôi phục, tăng năng suất cho giống lúa đặc sản của địa phương không những góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc trong việc phát huy lợi thế để cạnh tranh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Xã cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu cho lúa tẻ thơm Na Loi, để nâng cao hơn nữa giá trị hàng hóa của mặt hàng này...", bà Hà nói.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An - cho hay: “Trước mắt trung tâm thực hiện dự án phục tráng và sản xuất giống lúa tẻ thơm nguyên chủng. Thiết lập chu trình sản xuất tối ưu nhất cũng như xây dựng thương hiệu, phát triển giống lúa tẻ thơm trở thành đặc sản lúa gạo được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, góp phần giúp bà con Na Loi cũng như các địa bàn lân cận thay đổi điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập..."
Trao đổi với phóng viên, ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho hay, xã Na Loi được xem là “vựa” lúa vùng sâu, vùng xa (giáp Lào) của huyện. Hiện nay, xã Na Loi đang xây dựng lúa tẻ thơm thành sản phẩm đặc trưng, huyện rất ủng hộ hướng đi này của Na Loi. Trong năm nay, mọi thủ tục đang dần hoàn thiện, giống lúa tẻ thơm sẽ đăng ký gắn sao OCOP vào năm 2022.
“Xã Na Loi hiện còn tới gần 70% hộ nghèo và cận nghèo. Việc xây dựng thương hiệu đặc sản gạo tẻ thơm thành công chắc chắn sẽ là động lực quan trọng góp phần tạo ra đổi thay tích cực cho địa phương” - ông Thò Bá Rê chia sẻ.