Nghịch lý cổ tức khủng, cổ phiếu “chết” thanh khoản
Những “con gà đẻ trứng vàng”
Ngày 16/5 là ngày CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 35%. Đợt chi trả này nằm trong kế hoạch trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 100% (50% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu) gây chú ý trên thị trường thời gian qua.
Năm 2014, PSL cũng chi tới 22,5 tỷ đồng để trả cổ tức, tỷ lệ 50% bằng tiền mặt. Năm 2016, PSL đặt kế hoạch tổng doanh thu 216 tỷ đồng, lợi nhuận 30 tỷ đồng và cổ tức 15%.
DN hoạt động tốt, trả cổ tức cao, tuy nhiên, trên thị trường, cổ phiếu PSL có thanh khoản khá èo uột. 3 tháng đầu năm nay, PSL gần như không có giao dịch. Hiện giá cổ phiếu PSL đang ở mức trên 80.000 đồng/CP, tăng gấp đôi so với cuối tháng 1/2016.
Trường hợp khác, ngày 16/5 tới là ngày thanh toán cổ tức tỷ lệ 40% (4.000 đồng/CP) của CTCP Meinfa (MEF). Hiện cổ phiếu MEF có giá 900 đồng/CP. Như vậy, so với thị giá, đợt trả cổ tức này có tỷ suất cổ tức hơn 400%.
Được biết, MEF chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM từ 30/11/2011 với giá tham chiếu 34.000 đồng/CP, tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản. Trong khi đó, bất chấp đà giảm giá cổ phiếu, hàng năm, MEF vẫn trả cổ tức từ 30-40%.
MEF có vốn điều lệ 37,5 tỷ đồng, là DN chuyên sản xuất và mua bán các sản phẩm cơ khí và thiết bị phục vụ ngành y tế. Năm 2015, công ty đạt doanh thu thuần 268,76 tỷ đồng và lãi sau thuế 20,16 tỷ đồng, vượt lần lượt 7,5% và 12% kế hoạch năm. Năm 2016, theo kế hoạch vừa được thông qua tại ĐHCĐ, Công ty dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 30%.
Tương tự, CTCP Muối Khánh Hòa có cổ phiếu KSC hiện giao dịch trên UPCoM với giá chỉ 400 đồng/CP. Tuy nhiên, KSC vừa thông báo chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức đợt 2/2015 bằng tiền tỷ lệ 10% (thời gian thực hiện là 7/6/2016), đồng nghĩa 1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng, gấp hơn 2 lần giá cổ phiếu hiện tại. Trước đó, KSC đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 bằng tiền, tỷ lệ 3%, chi trả tháng 1/2016.
Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2016, cổ tức năm 2015 của KSC là 25,12%, vượt chỉ tiêu cổ tức đề ra đầu năm là 15,05%. Năm 2016, KSC đặt kế hoạch doanh thu 53,24 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5,4 tỷ đồng, cổ tức 9,29%.
Giống như MEF, điểm đặc biệt của các mã này là cổ phiếu dường như đứng im, không có giao dịch, nên dù trả cổ tức cao hơn giá cổ phiếu, nhà đầu tư cũng khó mà mua được để “tận hưởng” giá trị này.
Một số DN khác trả cổ tức cao năm 2015 là: CTCP Cơ khí Luyện kim (SDK), cổ tức 25%; CTCP Dệt may Huế (HDM), cổ tức 45%; CTCP Cơ khí và Xây lắp Công nghiệp (IME), cổ tức 37%; CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), cổ tức 30%.
Trong số các DN trên, nhiều DN có quy mô vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng, có những lợi thế riêng và hoạt động tập trung vào ngành nghề chính, kết quả kinh doanh ổn định.
Vì sao cổ phiếu “chết” thanh khoản?
Nhận định về hiện tượng này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, CTCK Maritime (MSI) cho rằng, việc các DN làm ăn tốt, trả cổ tức khủng nhưng không có thanh khoản thị trường là do cơ cấu cổ đông các DN này thường cô đặc, ít cổ phiếu trôi nổi và nhóm này không muốn bán ra.
Trong khi đó, phần lớn nhà đầu tư hiện nay quan tâm đến các cổ phiếu có hệ số beta cao, biến động nhiều, các cổ phiếu đầu cơ, do vậy, cổ phiếu trả cổ tức chỉ nhận được sự quan tâm của số ít nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn.
Theo ông Khánh, một số DN hoạt động rất tốt ở một phân khúc thị trường, kinh doanh độc quyền “một mình một ngựa”, cộng thêm việc không có các dự án mới nên không cần thiết phải huy động vốn, không muốn pha loãng cổ phiếu. Vì vậy, ban lãnh đạo công ty không mấy quan tâm đến thanh khoản và giá cổ phiếu.
Về phía DN, ông Đỗ Hiên Ngang, Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết kế Công nghiệp hóa chất - CECO (CEC) cho biết, đặc trưng của cổ đông CECO là tuyệt đại đa số đều là cán bộ công nhân viên nên cổ phiếu kém thanh khoản và rất ít biến động. Đầu năm nay, khi cổ phiếu CEC tăng mạnh 474% trong tháng 2, ông Ngang cho hay, “việc tăng giá có thể do một nhóm cổ đông bên ngoài thấy hấp dẫn nên mua, trước kia ít có giao dịch”.
Theo ông Ngang, CECO hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực quản lý dự án EPC và thiết kế ngành hóa chất, một ngành rất hẹp nên không có nhiều nhu cầu về vốn. Cổ phần hóa từ 2006, gần 10 năm qua, DN có tăng vốn nhưng tăng khá dè dặt qua từng năm, chủ yếu tăng bằng trả cổ tức.
Cũng về câu chuyện thanh khoản, một số ý kiến lại cho rằng, việc lên sàn hiện nay của nhiều DN chỉ mang tính chất hình thức, sàn UPCoM hiện có gần 300 DN, nhưng thanh khoản vẫn là bài toán khó chưa có lời giải hữu hiệu. Lãnh đạo không quan tâm tới diễn biến thị trường, cổ phiếu ít được quan tâm, kém thanh khoản, trong khi đó, thị giá xuống thấp, không phản ánh đúng hoạt động kinh doanh của công ty.