Nghiên cứu khoa học khối trường ngành Công Thương: Tăng chất lượng đào tạo
Tăng cường gắn liền lý thuyết với thực hành trong đào tạo |
Đào tạo nhân lực chất lượng
Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), năm học 2016 - 2017, các trường thuộc Bộ Công Thương đã thực hiện 957 đề tài nghiên cứu khoa học; trong đó, 8 đề tài cấp nhà nước, 93 đề tài cấp bộ, cấp tỉnh, ngành; 856 đề tài cấp cơ sở và sáng kiến kinh nghiệm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động KH&CN là chức năng của cơ sở giáo dục đào tạo - nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên, giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo thông qua cập nhật kiến thức, tránh tụt hậu tri thức của giảng viên.
Điển hình, mỗi năm, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cung cấp cho thị trường lao động hơn 10.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên có kiến thức, kỹ năng và tay nghề cao. Để góp phần phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, lấy kết quả nghiên cứu KH&CN phục vụ cho đào tạo...
Theo nhận định của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nghiên cứu khoa học có vai trò rất quan trọng trong đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Qua đó, giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giảng viên; nâng cao kỹ năng nhận thức kiến thức, phương pháp luận và phương pháp giảng dạy cho cán bộ, giảng viên. Bên cạnh đó, giúp sinh viên vận dụng phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học trong học tập và thực tiễn; nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng, khả năng sáng tạo của sinh viên; góp phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm phục vụ cho đào tạo, nhất là đào tạo chuyên sâu…
Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu
Theo thống kê, các trường thuộc ngành Công Thương đào tạo trên 400 ngành, chuyên ngành, nghề thuộc các nhóm ngành, nghề kỹ thuật, công nghệ, thương mại, dịch vụ… Các ngành nghề được nhiều học sinh theo học nhất là công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, công nghệ ôtô, công nghệ thông tin…
Đặc biệt, các trường đại học ngành Công Thương hầu hết đều có thế mạnh, truyền thống và kinh nghiệm lâu năm về đào tạo kỹ thuật, cung cấp nhân lực cho nền kinh tế cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng. Một số trường đã đào tạo các ngành kỹ thuật chuyên sâu phục vụ nhân lực cho nhiều tập đoàn công nghiệp lớn.
Trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội kiến nghị, hàng năm Bộ Công Thương tăng cường đầu tư kinh phí cho nhà trường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy cho cán bộ, giảng viên. Đồng thời, tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của cán bộ, giảng viên nhà trường, ưu tiên các đề tài nghiên cứu KH&CN có mục tiêu ứng dụng trong đào tạo. Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ Công Thương có cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN cho cơ sở đào tạo thuộc Bộ nhằm tận dụng được nguồn chất xám của các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương đã xây dựng, đầu tư các phòng thí nghiệm. Trong đó, một số trường đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, có khả năng phục vụ tốt hoạt động nghiên cứu như: Thiết bị thí nghiệm cơ điện tử, robot, tự động hóa quá trình điều khiển, thiết bị đo lường có độ chính xác cao, máy CNC, máy gia công tia lửa điện… |