Bỏ giấy chuyển tuyến, nâng cao chất lượng y tế cơ sở để “giữ chân” người bệnh Tạo điều kiện cho người dân chuyển tuyến khám, chữa bệnh |
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã có nhiều kiến nghị về việc xem xét, hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến để thuận lợi cho người dân tham gia khám chữa bệnh.
Thảo luận tại Quốc hội hôm 20/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội kiến nghị cần bỏ giấy chuyển tuyến. Bởi theo đại biểu, cử tri đã có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám chữa bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển tuyến rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi.
Bác sĩ Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) |
Liên quan đến đề xuất của đại biểu Quốc hội nên bỏ giấy chuyển tuyến, bác sĩ Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, mô hình hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới đảm bảo được việc quản lý và chăm sóc sức khỏe của người dân một cách toàn diện, hiệu quả.
"Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Do đó, việc quản lý khám chữa bệnh tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Nếu bệnh nhân không được quản lý theo tuyến, nhu cầu khám chữa bệnh tập trung ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả với các trường hợp không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh.
Theo ông Phúc, điều này không chỉ gây quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên, gây phiền hà cho chính người bệnh mà còn lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng.
Trong khi đó, thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến dưới đã được đầu tư nguồn lực và ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
TS. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy |
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Vuasanca , đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu bỏ phân tuyến, cơ sở y tế tuyến trên sẽ được hưởng lợi vì người bệnh đổ về nhiều.
Tuy nhiên, điều này có thể phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích. Chẳng hạn, một bệnh nhân với bệnh thông thường, ở tuyến dưới có thể điều trị rất tốt nhưng tâm lý phải đi thẳng lên Trung ương, sẽ gây tốn kém mọi mặt cho người bệnh.
"Ai cũng chuyển hết lên tuyến Trung ương, tương lai của y tế cơ sở sẽ đi về đâu", bác sĩ Thức nói và cho biết, bỏ phân tuyến còn gây hệ lụy đến nguồn quỹ bảo hiểm.
Ví dụ, bệnh nhân bị viêm dạ dày, có thể điều trị rất tốt ở bệnh viện hạng một, song lại đến tuyến Trung ương, chi phí điều trị ở bệnh viện hạng đặc biệt chắc chắn sẽ cao hơn cơ sở hạng một, kéo theo nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm cũng như lãng phí xã hội.
Theo TS. Nguyễn Tri Thức, giải pháp căn cơ nhất là hệ thống y tế cơ sở phải đảm bảo tốt công tác chuyên môn khám chữa bệnh. Cốt yếu vẫn là ở vấn đề chuyên môn và đặc biệt phải tạo niềm tin cho người bệnh vào chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở. Để làm được điều này, ngành y tế phải xem lại chính mình; tại sao người dân chưa tin vào hệ thống y tế cơ sở, xem xét vấn đề ở đâu để khắc phục.
"Bản thân tôi không ủng hộ giải pháp đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế xã, huyện, bởi trạm y tế xã, huyện có những thiết bị y khoa không bằng tuyến Trung ương được. Khi thiết bị đã không bằng, rất cần kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ lâu năm.
Tôi đề xuất cần đưa y bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới; bác sĩ ở tuyến Trung ương luân chuyển về tuyến tỉnh, tuyến tỉnh về tuyến huyện, tuyến huyện về tuyến xã, bác sĩ tuyến xã luân chuyển lên tuyến tỉnh để học và trau dồi kinh nghiệm. Khi tạo một vòng xoay như thế sẽ không bao giờ phải đặt câu hỏi nhân lực y tế cơ sở không đủ để phục vụ nhân dân. Có như vậy, mới tạo được niềm tin cho người bệnh ở tuyến y tế cơ sở", TS. Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.