Để cung cấp dịch vụ mua bán chứng khoán trong ngày, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, không lỗ trong 2 năm gần nhất.
Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74 ngày 1/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán vừa được Ủy ban chứng khoán công bố lấy ý kiến thành viên thị trường. Theo đó, lần đầu tiên cơ quan quản lý "đánh" tín hiệu cho phép nhà đầu tư được giao dịch trong ngày và có thể bán khống cổ phiếu, vốn trước đây còn nhiều e ngại bởi điều kiện thị trường chưa đáp ứng được.
Giao dịch trong ngày được hiểu là nhà đầu tư sau khi đã mua hoặc bán cổ phiếu thì ngay trong ngày giao dịch, có thể bán hoặc mua một lượng tương đương. Điều này có nghĩa thời gian giao dịch sẽ là T+0, thay vì như hiện nay phải đợi 3 ngày chứng khoán mới về tài khoản và người mua mới thực sự sở hữu.
Với đặc điểm là nhà đầu tư sẽ mua trước - bán sau hoặc bán trước - mua sau, giao dịch trong ngày sẽ làm phát sinh trường hợp bán khống, tức người bán chưa có cổ phiếu trong tài khoản nhưng đã được chuyển nhượng cho cá nhân, tổ chức khác.
Cụ thể, dự thảo cho hay trong trường hợp nhà đầu tư không có đủ số chứng khoán để chuyển giao ngay trong ngày giao dịch (ngày T), công ty chứng khoán có trách nhiệm cho nhà đầu tư vay lượng chứng khoán còn thiếu. Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của công ty hoặc vay từ các thành viên khác, hoặc từ các nhà đầu tư khác phù hợp.
Tại ngày làm việc tiếp theo (ngày T+1), nếu nhà đầu tư tiếp tục không có đủ số chứng khoán để chuyển giao, công ty chứng khoán sẽ tiến hành niêm yết giá để thực hiện các giao dịch mua bắt buộc trên hệ thống Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký. Và nếu đến ngày T+2, nhà đầu tư vẫn không đáp ứng đủ, công ty chứng khoán sẽ phải vay cổ phiếu trên hệ thống của Trung tâm lưu ký.
Mặt khác, nếu nhà đầu tư không có đủ tiền để thanh toán cho số chứng khoán đã mua mà chưa kịp bán trong ngày, công ty chứng khoán được yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ bổ sung. Trường hợp nhà đầu tư không thể thực hiện ký quỹ bổ sung, công ty chứng khoán thực hiện các thủ tục, bảo đảm có đủ tiền để thanh toán cho đối tác giao dịch tại ngày thanh toán.
Theo cơ quan quản lý, động thái này nhằm để đảm bảo an toàn cho toàn thị trường, tránh trường hợp hệ thống có thể mất thanh khoản. Chính vì vậy, Ủy ban chứng khoán yêu cầu giao dịch mua bán bắt buộc được thực hiện trên hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán hoặc hệ thống chuyển nhượng của Trung tâm Lưu ký chứng khoán
Nhằm hạn chế những hệ lụy phát sinh từ quá trình mua, bán chứng khoán T+0, dự thảo Thông tư cũng yêu cầu nhà đầu tư phải ký kết hợp đồng với công ty chứng khoán và được cấp một hạn mức theo quy định. Các giao dịch cũng chỉ được thực hiện trong phiên khớp lệnh liên tục và với các cổ phiếu trong danh mục VN30, HNX30 và các chứng chỉ quỹ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán. Giao dịch không áp dụng với chứng khoán lô lẻ, giao dịch thỏa thuận;
Đóng vai trò quan trọng trong mắt xích thanh toán, Ủy ban chứng khoán cũng giới hạn những công ty chứng khoán được tham gia hỗ trợ khách hàng giao dịch trong ngày. Cụ thể, các công ty phải có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt từ 800 tỷ đồng trở lên, đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định và không có lỗ trong 2 năm gần nhất, tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng, không đang trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc đang trong tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Sau mỗi ngày giao dịch và kết thúc tháng, công ty chứng khoán sẽ tổng hợp, đánh giá kết quả kinh doanh từ hoạt động giao dịch mua bán trong ngày của từng khách hàng. Căn cứ vào kết quả kinh doanh từ hoạt động giao dịch, năng lực tài chính của khách hàng, công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ mua bán trong ngày đối với các khách hàng.
Để bình ổn thị trường, Ủy ban chứng khoán cho biết có thể tạm ngừng hoạt động giao dịch trên toàn hệ thống trong trường hợp xảy ra các sự cố và thấy cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.