Công nghiệp hóa chất hấp dẫn nhà đầu tư
Cuối tháng 9/2024, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), thuộc Tập đoàn SCG, thông báo Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức đi vào vận hành thương mại.
Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), thuộc Tập đoàn SCG, thông báo Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức đi vào vận hành thương mại. Ảnh: ST |
Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam với diện tích mặt đất là 464ha và diện tích mặt nước 194ha (cho hệ thống cảng biển), đặt tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Tổ hợp là một trong những dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5 tỷ USD, bao gồm các hạng mục: Nhà máy nhiệt phân hỗn hợp (nhà máy olefins) quy mô toàn cầu, các nhà máy polyolefin ứng dụng công nghệ tiên tiến, cụm cảng và bồn bể chuyên dụng, nhà máy tiện ích trung tâm cùng các tiện ích liên quan khác.
Khi đi vào hoạt động, tổ hợp này sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm - nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm nhựa dùng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Sản phẩm từ tổ hợp sẽ giúp thay thế các sản phẩm polyolefin nhập khẩu, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất hạ nguồn tại thị trường nội địa.
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được kỳ vọng sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì, các ngành dịch vụ khác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trước đó, vào tháng 7/2024, trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Hàn Quốc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tập đoàn Hyosung đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư. Theo đó, Tập đoàn Hyosung tập trung nguồn lực để thực hiện dự án nhà máy sản xuất hợp chất butanediol sinh học (bio-butanediol hoặc bio-BDO) với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD và dự án nhà máy sản xuất sợi carbon 500 triệu USD tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sản phẩm của nhà máy là Bio-BDO - hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất sợi spandex. Bên cạnh sợi spandex, các ứng dụng của BDO có thể mở rộng sang lĩnh vực chế tạo nhựa kỹ thuật, bao bì phân hủy sinh học, đế giày dép, hợp chất công nghiệp và nhiều ngành công nghiệp khác.
Hiện, Hyosung đang hợp tác với Geno để ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến cho phép doanh nghiệp này đẩy nhanh tiến độ dự án để có thể sản xuất và kinh doanh thương mại Bio-BDO với công suất 50.000 tấn/năm trong nửa đầu năm 2026 và 200.000 tấn/năm khi nhà máy vận hành đầy đủ.
Ngoài Hyosung, Tập đoàn SK cũng vừa khởi công Nhà máy sản xuất nhựa sinh học nghệ cao Ecovance tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Khi đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất 70.000 tấn sản phẩm nhựa phân hủy sinh học PBAT; 59.500 tấn sản phẩm nhựa phân hủy sinh học PBS và 6.300 tấn sản phẩm dung môi TH (sản phẩm phụ tạo ra trong quá trình sản xuất PBAT).
Không chỉ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội trong ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam, thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp trong nước cũng có những dự án trong lĩnh vực này. Điển hình trong số đó là dự án Số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn của Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Nghi Sơn - công ty con của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - sẽ được khởi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, chạy thử nghiệm và bàn giao từ quý IV/2024 đến quý I/2026; hoàn thành, đi vào hoạt động tại quý I/2026.
Dự án Số 1 - Tổ hợp hóa chất Đức Giang Nghi Sơn được đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa trên khu đất khoảng 30 ha, với quy mô 136.000 tấn hóa chất/năm, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng theo giấy phép chấp thuận chủ trương ban đầu, được phân làm 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Về dự án trên, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang - từng đánh giá, đây là “át chủ bài” của tập đoàn trong dài hạn khi hoạt động kinh doanh của nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.
Dự án sản xuất hóa chất cơ bản để phục vụ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các hợp chất có dẫn xuất đi từ khí Clo lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, mang hàm lượng công nghệ cao như CloraminB, Axit photphit phục vụ cho sát khuẩn và thay thế cho hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cũng chia sẻ dự án sản xuất Alumin tại Đắk Nông có thể sẽ được cấp phép trong 2 - 3 năm tới, hoàn thành xây dựng sau 2 - 3 năm và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2028 - 2030. Với công suất sản xuất 3 triệu tấn Alumin, tập đoàn có thể đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD theo giá Alumin hiện tại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng lớn.
Được biết, quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả 2 giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD). Ước tính, dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Nông hàng năm khi đi vào hoạt động.
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Ảnh: S.T |
Kỳ vọng vào Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; chú trọng ưu tiên phát triển một số phân ngành trọng điểm như hóa chất cơ bản, hóa dầu, cao su kỹ thuật, hóa dược, phân bón...
Cùng với đó, hình thành chuỗi giá trị, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực. Sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh, ứng dụng công nghệ hiện đại, kinh tế số và chuyển đổi số nhằm gia tăng giá trị tăng thêm, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, thúc đẩy tích tụ vốn của các tập đoàn kinh tế hoạt động trong lĩnh vực hóa chất. Phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và vùng lãnh thổ, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn.
Đến năm 2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao; phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7 - 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp duy trì khoảng 4 - 5%.
Trong đó, nhóm sản phẩm hóa dầu, hóa dược, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản đạt 10 - 12%/năm giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 8 - 11%/năm. Nhóm sản phẩm phân bón, hoá chất bảo vệ thực vật, sản phẩm nguồn điện hóa học, sản phẩm chất tẩy rửa, khí công nghiệp, sản phẩm săm lốp và sơn - mực in đạt 3 - 5%/năm giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2040 đạt trung bình 4 - 6%/năm.
Đến năm 2030, duy trì mức đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các loại phân bón ure, lân, NPK, sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, khí công nghiệp, sơn - mực in thông dụng, chất tẩy rửa, pin thông dụng và phát triển thị trường xuất khẩu. Đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm phân bón sunfat amon. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%.
Đến năm 2040, đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước các sản phẩm hóa chất cơ bản hữu cơ, sơn đặc chủng, pin - ắc quy công nghệ cao. Nâng khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân của các sản phẩm hóa dầu lên 60%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 50%, hóa chất cơ bản lên 80%, cao su kỹ thuật lên 50%, ắc quy lên 80%. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9 - 11%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, giai đoạn 2030 - 2040 tăng trưởng bình quân 7,5 - 9%/năm.
Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2030, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2030 - 2040; hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Hóa chất sửa đổi. Ảnh: S.T |
Hiện thực hóa bằng các nhóm chính sách
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược cũng đưa ra những giải pháp, trong đó, có nhóm giải pháp mang tính đột phá, như: Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics. Trong đó, nghiên cứu, khuyến khích đầu tư hình thành các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác; tại các địa điểm có diện tích đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông; có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án này. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung.
Cùng với đó, đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất thông qua đảm bảo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản, cao su theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các dự án ưu tiên tiếp cận được với chế độ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động...
Sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với dự án hóa chất: Đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, vùng lãnh thổ; các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường; các yêu cầu về áp dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh. Tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác quản lý đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tỉnh cần lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành.
Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tính bền vững của hoạt động công nghiệp hóa chất...
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), hiện Luật đã đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10/2024. Việc xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng được nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; xây dựng cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, giảm thiểu tối đa rủi ro của các hoạt động hóa chất tới sức khỏe người dân, môi trường, tài sản, xã hội. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hoạt động hóa chất ổn định trong những năm tiếp theo; hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại, sản phẩm có giá trị cao trên thế giới mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế.