Nhà đầu tư mất tiền tỷ vì bị cắt margin
Giá nhiều cổ phiếu sụt giảm sau khi bị cắt margin vì doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế |
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế nhà đầu tư thiệt chịu hại lớn khi một mã cổ phiếu bị cắt margin ngay sau khi doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm pháp luật về thuế, theo quy định tại Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/4/2017.
Mới đây nhất, cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) giảm giá sàn 26.350 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 10/8, sau khi Công ty bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, với tổng số tiền 382 triệu đồng. Khối lượng giao dịch trong phiên này là hơn 2,2 triệu đơn vị, giá trị giao dịch gần 59,4 tỷ đồng. Bán cổ phiếu PDR với giá sàn là phản ứng tất yếu của nhiều nhà đầu tư khi cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị cắt margin vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu PDR đã tăng trong 2 phiên sau đó, lần lượt 1,7% và 3,4%, lên 27.700 đồng/CP, khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tạm thời dừng thực hiện quy định đưa cổ phiếu vào danh sách không được margin để kiến nghị và xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Như vậy, những nhà đầu tư bán cổ phiếu PDR với giá sàn trong phiên 10/8 bị thiệt lớn, tổng cộng hàng chục tỷ đồng.
Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán, trong đó nêu rõ PDR là doanh nghiệp chấp hành tốt luật thuế. Lỗi vi phạm là do không cố ý, do nhận thức sai về quy định thuế, một lỗi thường gặp của các doanh nghiệp. Trong khi đó, PDR cho biết, năm 2016, số tiền Công ty nộp vào ngân sách là hơn 192 tỷ đồng.
Trước đó, cổ đông của một số công ty khác như Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) thiệt hại hàng chục tỷ đồng khi cổ phiếu quay đầu giảm giá hơn 20%, chủ yếu vì cổ phiếu không còn được margin khi Công ty bị phạt 1,5 tỷ đồng tiền thuế. Hiện nay, giá cổ phiếu TDH đã tăng trở lại, gần bằng mức giá trước thời điểm bị cắt margin.
Trước những ảnh hưởng tiêu cực khi thực hiện quy định cắt margin do doanh nghiệp vi phạm thuế, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét lại quy định này, cũng như chưa áp dụng cắt margin với cổ phiếu PDR và BHN (Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu Nước giải khát Hà Nội) - bị xử phạt vi phạm pháp luật thuế hôm 13/8.
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc TDH chia sẻ, mong sao các cơ quan quản lý lắng nghe ý kiến thành viên thị trường, bởi doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, cơ quan thuế kiểm tra. Sự hiểu khác nhau của doanh nghiệp và cơ quan thuế về một nghiệp vụ hay một khoản thanh toán nào đó có thể dẫn đến truy thu thuế, ra quyết định xử phạt vi phạm pháp luật thuế. Ngay cả trường hợp doanh nghiệp không đồng tình với quyết định của cơ quan thuế, khiếu nại được chấp nhận, thì cũng cần thời gian xử lý, nhưng cổ phiếu đã bị cắt margin, gây thiệt hại cho cổ đông.
“Margin là công cụ không thể thiếu để tạo thanh khoản cho chứng khoán. Cắt margin trong vòng 24h kể từ khi có thông báo vi phạm, nhà đầu tư không kịp giảm tỷ lệ ký quỹ từ 50% về 0%, tạo áp lực bán mạnh, vừa rủi ro cho nhà đầu tư, vừa rủi ro cho công ty chứng khoán”, ông Chinh nói.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại, cổ phiếu một công ty niêm yết lớn bị cắt margin vì một lỗi thuế nhỏ có thể làm méo mó chỉ số chứng khoán trong một thời điểm nhất định, tác động tiêu cực đến cả thị trường. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi thị trường chứng khoán phái sinh vừa đi vào hoạt động, với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số, được áp dụng đòn bẩy tài chính cao hơn cổ phiếu thông thường rất nhiều.
Vì vậy, việc tạm dừng cắt margin với cổ phiếu bị xử phạt về thuế do những sai sót nhỏ, lỗi không cố ý, hay do cách hiểu khác nhau về quy định thuế giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế là hợp lý, giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Về lâu dài, Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán cần được sửa đổi theo hướng thực tế và chi tiết hơn.