Nhà đầu tư Nhật: Vẫn đặt niềm tin vào Việt Nam
Trưởng đại diện Văn phòng JETRO cho biết, 66% DN Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và tiếp tục coi đây là điểm đến đầu tư quan trọng. Khoảng 80% cho rằng, lý do chính để họ mở rộng kinh doanh là tăng doanh thu. Đối với DN phi sản xuất, có khoảng 70% số DN cho rằng lý do chính là họ có khả năng tăng trưởng cao và có tiềm năng.
Điểm đáng chú ý là trong số 20 quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng top 5 với 3 tiêu chí thuận lợi về môi trường kinh doanh gồm tình hình chính trị xã hội ổn định, môi trường sống cho nhân viên thường trú, chi phí nhân công rẻ.
DN Nhật Bản đánh giá tốt về sự cải thiện theo hướng tích cực về thủ tục cũng như các vấn đề liên quan đến thuế, hải quan… Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn tận dụng những lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN ngay trong năm 2015 để đón đầu cơ hội, tăng cường xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính lũy kế đến ngày 15/12/2014, Nhật Bản có 2.477 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 36,89 tỷ USD, đứng thứ 2 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. |
Tuy nhiên, DN Nhật Bản cũng lo ngại về một số rủi ro, có thể gây ảnh hưởng và làm tăng chi phí sản xuất, trong đó 60% đơn vị cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch bên cạnh một số thủ tục hành chính kể cả về thuế cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chi phí nhân công có xu hướng tăng và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, mua nguyên liệu, linh kiện từ các DN trong nước…
Theo đại diện JETRO Hà Nội, để thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa. Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ bằng các hình thức như cho vay lãi suất thấp, ưu đãi về thuế, đào tạo nguồn nhân lực.