TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút vốn ngoại |
Về diễn biến bán ròng của NĐT NN trong thời gian gần đây, theo bà Trần Anh Đào – Phó Tổng giám đốc HOSE, hoạt động bán ròng của NĐT NN trên thị trường xuất hiện từ tháng 8 kéo dài sang tháng 9/2015 do sự kiện Trung Quốc phá giá đồng NDT và Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá. Điều này ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của NĐT NN đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Đào mức chênh lệch mua bán của khối ngoại chưa phải là quá lớn khi xem xét một cách tổng thể trong suốt gần một năm qua cán cân giao dịch mua bán của NĐT NN được giữ ở trạng thái cân bằng, khối lượng mua và bán đều giữ ở mức trên 10% so với khối lượng giao dịch toàn thị trường. Hơn nữa, thông tin Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức đạt được thỏa thuận đã giúp TTCK tăng điểm tích cực trong những ngày gần đây và hy vọng sẽ tạo sự cân bằng giữa mua và bán của NĐT NN từ nay đến cuối năm 2015.
Cũng liên quan đến hoạt động đầu tư của các NĐT NN trên TTCK về việc thực hiện Nghị định 60 cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các công ty tại Việt Nam, còn gọi là "nới room" có hiệu lực từ ngày 1/9/2015 (Nghị định 60 được ban hành khoảng đầu tháng 7/2015) nhưng do chưa có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên đến nay chỉ có khối các công ty chứng khoán là có thể thực hiện ngay việc “nới room” theo nghị định này. Vì thế sự tác động của Nghị định 60 đến hoạt động giao dịch của khối ngoại trên TTCK chưa có sự rõ nét. Cụ thể tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ room của NĐT NN tại các CTCK đều chưa quá 49%. Tại Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) là CTCK đầu tiên thực hiện nới room từ ngày 1/9 thì tỷ lệ room hiện tại của SSI cũng mới chỉ đạt 48,8%.
Cũng để tạo thuận lợi hơn cho NĐT NN trong việc đầu tư vào TTCK VN, vừa qua HOSE đã ký kết hợp đồng sử dụng chuẩn phân ngành GICS với MSCI. GICS (Global Industry Classification Standard) được phát triển bởi Morgan Stanley Capital International (MSCI) và Standard & Poor's vào năm 1999. GICS được đưa ra nhằm thiết lập một tiêu chuẩn chung cho việc phân loại các công ty vào các ngành và nhóm ngành có liên quan với nhau. Theo đánh giá của HOSE, ký kết hợp đồng chuẩn phân ngành GICS là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, khi có hoạt động phân ngành sẽ thu hút đầu tư nước ngoài, giúp NĐT NN thuận lợi hơn trong việc chọn ngành nghề và quyết định đầu tư vào TTCK Việt Nam. Bởi khối ngoại dựa trên các chỉ số ngành để đầu tư, so sánh với thị trường trong khu vực. Dự kiến, chuẩn phân ngành GICS sẽ ra mắt vào tháng 1/2016.
Về sản phẩm chứng khoán chứng quyền (Covered Warrant) HOSE phối hợp với Ủy ban chứng khoán nhà nước hoàn thiện dự thảo Thông tư Hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm, dự kiến trình Bộ Tài chính vào quý I/2016.
Từ những nỗ lực thu hút vốn của các NĐT NN vào TTCK Việt Nam như nới “room”, tăng cường quy định về công bố thông tin, nâng cao chuẩn mực kế toán, tiếp thị đầu tư ở nước ngoài… cộng với dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay được dự báo ở mức khá cao từ 6,1 - 6,4% và có thể đạt 6,6% vào năm 2016 là cơ sở để các NĐT trong và ngoài nước bỏ vốn vào TTCK mạnh mẽ hơn.